Theo Congannhandan

Giải mã bí ẩn tục huyền táng ở Trung Quốc

Những cỗ quan tài có niên đại hàng ngàn năm tuổi treo trên các vách núi cheo leo được các nhà khảo cổ tìm thấy ở một số nơi thuộc Trung Quốc. Các chuyên gia đã cố gắng giải mã bí ẩn về chúng trong suốt nhiều năm qua…

Những quan tài treo nằm trên các vách núi cao ở nhiều tỉnh miền Trung và Nam Trung Quốc hấp dẫn các chuyên gia, nhà khoa học khám phá những bí ẩn khó giải.

Theo các chuyên gia, tục treo quan tài ở nơi cao như trên được gọi là huyền táng. Trong đó, chữ “huyền” có nghĩa là treo, tức là treo quan tài của người chết trên các vách núi dựng đứng. Đây là phương thức mai táng cổ xưa ở Trung Quốc.

Theo quan niệm của người xưa, các vách núi hay hang động là những nơi yên bình, thích hợp để linh hồn an nghỉ.

Thêm nữa, người xưa tin việc chôn cất người chết ở nơi cao như vậy sẽ khiến người chết được yên nghỉ mà không bị ai hay động vật nào quấy phá. Thi hài không bị phân hủy nên sẽ còn nguyên vẹn.

Các chuyên gia còn phát hiện bí ẩn thú vị về vị trí của những cỗ quan tài treo. Cụ thể, vị trí của người chết trong xã hội càng cao thì sẽ được mai táng ở chỗ cao để thể hiện sự tôn kính.

Do vậy, người quá cố là những bô lão, già làng có chức có quyền khi qua đời sẽ được mai táng trong những cỗ quan tài tốt nhất và ở vị trí cao nhất của vách núi. Và tất nhiên, những người bình thường khi chết thì được chôn ở những vị trí thấp trên vách núi đá.

Để mai táng người chết trong những cỗ quan tài treo, người xưa làm các giá đỡ. Những giá đỡ này có nhiệm vụ để treo quan tài lên vách núi cách mặt đất khoảng 20 - 100m.

Những cỗ quan tài treo thường có nhiều hình dáng như: dạng thuyền độc mộc, dạng hộp, dạng rương được khoét rỗng từ một thân cây nguyên khối.

Những cỗ quan tài này có trọng lượng khá nặng. Cho đến nay, các chuyên gia chưa thể lý giải vì sao người xưa có thể di chuyển quan tài chứa thi hài người chết cùng nhiều đồ mai táng có trọng lượng lớn lên những vách núi đá như vậy.