An An

Khán giả là hiệp sỹ, tấm vé là vũ khí

Trả lời cho câu hỏi: Không phải nhà sản xuất, hay phát hành, chị vận động cho Song Lang chỉ vì là... hiệp sĩ ? Điệp đáp: Không. Khán giả là hiệp sĩ, tấm vé là vũ khí, Song Lang là chàng thơ. Tôi chỉ là người... hô xung phong.

Tròn 2 năm, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được trao Huân chương Hiệp sĩ Văn chương và nghệ thuật của Bộ Văn Hoá Pháp, dành tặng các cá nhân đã đóng góp trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật Pháp hoặc thế giới. Khi đó chị từng chia sẻ : Làm phim với tôi là việc tôi theo đuổi lắm khi trong tuyệt vọng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có điểm gì chung với một hiệp sĩ – người trừ gian diệt bạo, người đứng về chính nghĩa và bảo vệ những điều tốt đẹp… Nhưng thú nhận rằng, trong sâu thẳm tôi cũng ước ao, bộ phim mình làm ra, công việc mình cống hiến sẽ góp một tiếng nói hoặc một bàn tay để nhân rộng vẻ đẹp đích thực của điện ảnh…

Những ngày này, cộng đồng yêu điện ảnh chứng kiến, rồi chia sẻ, rồi chung tay với một hành động mang đậm chất hiệp sĩ của Nguyễn Hoàng Điệp, khi chị “ra tay” vận động khán giả đến rạp xem bộ phim truyện đầu tay của đạo diễn trẻ Leon Quang Lê.

Nguyễn Hoàng Điệp (bên phải)
Nguyễn Hoàng Điệp (Áo xanh).

Trả lời cho câu hỏi: Không phải nhà sản xuất, hay phát hành, chị vận động cho Song Lang chỉ vì là... hiệp sĩ ? Điệp đáp: Không. Khán giả là hiệp sĩ, tấm vé là vũ khí, Song Lang là chàng thơ. Tôi chỉ là người... hô xung phong.

1 tuần đã trôi qua kể từ khi chiến dịch “Cho Song Lang thêm tuần nữa” được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phát động trên nền tảng mạng xã hội và lan ra rộng khắp.

Khởi chiếu từ 17/8, suất chiếu ít, giờ chiếu dần xấu đi, truyền thông nhiều tranh cãi, phim thậm chí không có fanpage riêng để cập nhật thông tin, nhưng nổi bật nhất là … truyền thông sai với những gì bộ phim thực sự có. Cùng thời điểm lại rất nhiều phim giải trí hấp dẫn xuất hiện. Song Lang là bộ phim ít khán giả một cách khó tin, trong khi những người ít ỏi đi xem về đều khẳng định bộ phim hấp dẫn, sâu sắc và không quá kén khán giả. Kết cục tất yếu phải đến, rạp chiếu dần dần thu hẹp, giờ chiếu ít đi và phim được thông báo sẽ ra khỏi rạp vào ngày 31/8 tức là sau 13 ngày công chiếu.

Sáng ngày 31/8, chiến dịch “Cho Song Lang thêm tuần nữa” xuất hiện.

Ngay sau đó, dòng hastag đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tạo ra đã được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Mục tiêu được tuyên bố rõ ràng: phim thêm thời gian trụ rạp, rạp tăng thêm suất chiếu, giờ chiếu được điều chỉnh để phù hợp với khán giả hơn.

Lan truyền thông điệp là một chuyện nhưng phải thuyết phục được khán giả phải mua vé để xem phim mới có khả năng thay đổi tình thế - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết.

19h30 ngày 31/8, bản tin tối của VTC1 phát trực tiếp cuộc trò chuyện với đạo diễn Leon Quang Lê và nam diễn viên chính Liên Bỉnh Phát mà trọng tâm là thông điệp “Cho Song Lang thêm tuần nữa”, “Yêu Song Lang thêm vài tuần nữa” được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Và từ đây cuộc chiến giành lại khe cửa hẹp bắt đầu!

Tại Hà Nội, Song Lang còn lại ở duy nhất hệ thống Lotte với khung giờ chiếu không thể thách thức hơn: sáng sớm, giữa trưa và…nửa đêm! Nhưng khác với trước đó, các suất chiếu đều đông khán giả thậm chí suất nửa đêm có lúc đã phải từ chối khán giả vì hết vé.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong một số rạp tiêu điểm, không những phim trụ rạp mà còn phải tăng thêm suất chiếu. Tỉ lệ lấp đầy khán giả luôn ở mức cao ngay cả khi so sánh với những phim ăn khách khác.

“Có người hâm mộ muốn giúp tôi bằng cách mua một lượng lớn vé để ủng hộ. Điều đó tốt cho doanh thu. Nhưng tôi nghĩ đó không phải cách hay. Vì trong thâm tâm, tôi sẽ luôn biết số lượng khán giả đó đến với Song Lang chỉ vì vé mời hoặc bị ép đến thôi. Dù có thể sau khi xem xong họ sẽ thích bộ phim. Nhưng điều này vẫn khiến mình có chút chạnh lòng. Không chỉ cho Song Lang mà còn cho tất cả phim Việt thuộc thể loại này.” Đạo diễn Leon Quang Lê kể lại.

Không có kinh phí, không chiến lược bài bản, đơn giản chỉ bằng tình cảm với bộ phim và mến mộ đạo diễn Leon Quang Lê, nhiều người bạn cả thân quen và hoàn toàn chưa gặp gỡ đã vào cuộc để hỗ trợ Song Lang. Cuộc giao lưu trong mưa bão mang tên Ơ Kìa Leon Song Lang diễn ra tại Okia Cinema rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian đã lôi kéo đông đảo người hâm mộ Hà Nội. Nhà văn Ngô Thảo bao nguyên rạp, mời bạn bè đến xem phim. Diễn viên Hồng Ánh tổ chức mini workshop trò chuyện về cảm hứng Song Lang. Giám tuyển Marcus Mạnh Cường Vũ giúp đạo diễn cùng các diễn viên tự làm cine tour bằng cách đột nhập phòng chiếu bất ngờ, để cảm ơn và trò chuyện cùng khán giả. Khán giả tự nguyện cập nhật tình hình phòng chiếu khi đi xem phim. Khán giả vận động bạn bè người thân cùng đi xem phim. Các thảo luận tranh cãi không dứt về cải lương, về diễn xuất, về chi tiết trong phim kéo dài chưa có dấu hiệu ngừng nghỉ. Các bản đàn - hát cải lương trong phim được đón nhận sôi nổi...

Song Lang kéo theo một làn sóng lan truyền cảm hứng khi khán giả thực sự tham gia vào việc…phát hành và truyền thông. Lần đầu tiên, một bộ phim đã tạo nên nguồn năng lượng tích cực, làm sôi động mạng xã hội theo cách rất đặc biệt. Lần đầu tiên, khán giả tham gia “truyền thông - quảng cáo” một cách nhiệt tình và hoàn toàn tự nguyện đã tạo nên hiệu ứng viral có tác động rõ rệt đến việc làm thay đổi cục diện xấu vào phút cuối.

Khán giả là hiệp sĩ, tấm vé là vũ khí…tính đến thời điểm này, hoàn toàn chính xác trong trường hợp của Song Lang - một bộ phim Việt Nam thật sự hay mà suýt nữa đã bị khai tử một cách oan uổng.