An Hà - Ảnh: Hải Bá

Đại lộ di sản - đêm rực rỡ của những sắc màu

Đại lộ di sản- một chương trình nghệ thuật mới mang thương hiệu của VTV được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 vào lúc 20h10 ngày 12 tháng 5 năm 2019. Lần đầu tiên, 7 di sản văn hóa phi vật thể của thế giới được giới thiệu đến công chúng tại Việt Nam.

Đoàn nghệ thuật Ấn Độ

Đất nước Phật giáo Ấn Độ mang đến chương trình điệu múa Odissi. Đây là một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ, là di sản văn hoá quốc gia, có nguồn gốc từ những điệu múa nghi lễ thường được biểu diễn tại các ngôi đền cổ xưa của Ấn độ. Nó xuất hiện ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 2 TCN.

Nét đặc trưng của điệu múa này là kĩ thuật lắc hông, độ cong và sự chuyển động mau lẹ của cánh tay và những cử động trong hình tròn của cơ thể đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự dịu dàng duyên dáng nữ tính và sự mạnh mẽ đầy nam tính.

Múa Odissi tạo nên sự khác biệt về âm nhạc, động tác múa, trang phục, trang điểm. Nó được coi là món quà mà thần linh ban tặng các vũ công nên rất được coi trọng.

Cách tạo hình của các vũ công như các vị thần của Ấn Độ, từ cách vẽ mắt, tô son, trang sức đem theo người, chấm đỏ giữa trán tượng trưng cho trí tuệ và đem lại sức mạnh tinh thần. Vòng hoa cài sau tóc có màu trắng như một chiếc vương miện. Mỗi vũ công đều mang trên mình rất nhiều biểu tượng của đất nước mình khi biểu diễn. Để trở thành vũ công múa Odissi đòi hỏi cần cả thể lực lẫn trí tuệ.


Đoàn nghệ thuật Sri Lanka

Múa Sri Lanka có nguồn gốc từ thời kỳ tiền Phật giáo, khi người Sri Lanka thờ cúng hiện tượng thiên nhiên, họ coi là lực lượng siêu nhiên cần thiết cho sự tồn tại của sự sống trên trái đất.

Đoàn nghệ sĩ Sri Lanka đã giới thiệu các điệu múa mạnh mẽ sôi động của những chàng trai vô cùng cường tráng và những cô gái hết sức dẻo dai quyến rũ đầy nữ tính trong trang phục sặc sỡ kết hợp với âm nhạc truyền thống thể hiện sự huyền bí trong tín ngưỡng thần linh và tôn lên nét văn hóa Sri Lanka.


Đoàn nghệ thuật Indonesia

Đoàn nghệ thuật uy tín đến từ Indonesia mang đến màn trình diễn vô cùng đặc sắc trong chương trình Đại lộ di sản. Với bề dày kinh nghiệm kết hợp với sự chuyên nghiệp khi tham gia biểu diễn trình diễn các tiết mục ở những lễ hội Festivals lớn, nhỏ không chỉ trong nước, họ cũng đã thể hiện xuất sắc trình diễn nét đặc sắc văn hóa truyền thống của nước nhà đến các quốc gia trên thế giới.

Di sản mà họ mang đến là điệu múa Ondel Ondel. Đây được coi là điệu múa chào mừng truyền thống của người Indonesia, nó khắc họa niềm vui và sự hứng khởi của các cô gái trong lễ hội. Những động tác vẫy tay thể hiện sự chào đón. Các cô gái tham gia biểu diễn mặc trang phục sặc sỡ, sống động với những phụ kiện như khuyên tai, vòng cổ khá ấn tượng.


Đoàn nghệ thuật Thái Lan

Thông qua màn biểu diễn dựa theo truyền thuyết Phật giáo, khán giả sẽ được mục kích màn trình diễn âm nhạc và vũ đạo Thái vô cùng độc đáo. Điệu nhảy đặc biệt này thường chỉ được trình diễn trong hoàng cung hay những lễ hội hoàng gia.

Bản mô phỏng hình ảnh đức Phật được sử dụng trong suốt buổi trình diễn dưới dạng con rối sơn được biến tấu từ con rối bóng truyền thống của Thái Lan, và thường được làm bằng da. Con rối sơn duyên dáng ấy được điều khiển bởi một nghệ sĩ múa rối lành nghề, hòa cùng những điệu múa truyền thống của múa rối bóng Thái Lan, có thể nói đây là một trong những màn trình diễn mang đặc trưng bản sắc văn hóa của đất nước Thái Lan.


Đoàn nghệ thuật Nhật Bản

Đất nước mặt trời mọc mang đến chương trình điệu múa Awa Odori. Với hơn 400 năm lịch sử, Awa odori được biết đến cho đến ngày hôm nay như là một nét văn hóa truyền thống đại diện cho Nhật Bản. Điệu múa Awa Odori truyền thống được hiểu như “Những đợt sóng nhỏ đang nhảy múa” hay là “Điệu nhảy vùng Awa”, thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của Samisen, trống, chuông và sáo với sự kết hợp của hai phong cách nhảy Otoko-Odori, vũ điệu nam tính đầy năng động vui nhộn và Onna-Odori, vũ điệu quyến rũ thanh lịch.

Cây đàn Samisen là niềm tự hào của nền văn hóa Nhật Bản. Cây đàn xuất hiện vào thế kỷ 16, được chơi phổ biến trong các lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Nó được coi là biểu tượng của âm nhạc truyền thống Nhật Bản. Cây đàn có 3 dây được chơi với 1 miếng gẩy đàn gọi là 3 chi. Âm thanh của nó nhẹ nhàng, tinh tế. Tiếng đàn có thể mô phỏng âm thanh của tự nhiên như gió thổi, nước chảy, hay biểu lộ tâm trạng của con người.

Đoàn nghệ thuật Trung Quốc

Đất nước có số dân đông nhất thế giới mang đến chương trình di sản Suo Nan Zhi. Âm nhạc kết hợp nhạc Phật giáo của đền Daxianggu đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử cùng nhạc truyền thống của Trung Hoa, cuối cùng tạo ra một dạng “Fan Yue” với một phong cách Trung Hoa nổi bật.

Mỗi khi một lễ kỷ niệm quy mô lớn được tổ chức, các nhạc sĩ nhà sư nổi tiếng từ những nơi khác nhau được mời đến chơi cùng nhau. Thông qua buổi trình diễn hòa tấu trang trọng của âm nhạc Phật giáo, người ta bày tỏ những lời chúc tốt đẹp đến với sự phồn thịnh của đất Mẹ và hạnh phúc, sự thịnh vượng cho nhân loại.

Suo Nan Zhi là một trong những bài hát tiêu biểu thời bấy giờ. Bài hát này ban đầu được viết trong triều đại Bei Song và thường được sử dụng trong các lễ kỷ niệm Phật giáo quy mô lớn của hoàng gia. Qua bốn chương, âm nhạc đại diện cho sự thịnh vượng của đất nước trong triều đại Bei Song.

Âm nhạc sử dụng nhiều khí cụ đặc biệt của Phật giáo để tán thán công đức của đức Phật. Sự hòa tấu này không chỉ là vẻ đẹp của nghệ thuật đỉnh cao, mà còn là sự lên ngôi của nghệ thuật đại chúng. Nó giúp mang di sản lịch sử đi xuyên qua thời gian.

Đoàn nghệ thuật Bhutan

Drum dance of Drametse- một thể loại của múa truyền thống mặt nạ hay còn gọi là Cham sẽ được Bhutan đem đến chương trình. Drametse là cách người ta gọi những vở kịch tại Bhutan. Trong vở kịch này sử dụng rất nhiều những động tác múa, múa theo từng nhịp trống. Đó là lý do vì sao gọi là Drum dance of Drametse.

Thông qua điệu múa này, đoàn nghệ thuật Bhutan giới thiệu đến với thế giới sự kính trọng dành cho những vị thần của đất nước, những người học trò xuất sắc của Đức Phật. Tiết mục này cũng ngợi ca những người vĩ đại đã tạo lập ra đất nước này.

Điệu múa này biểu diễn điệu múa thông qua những chiếc mặt nạ, là hiện thân của những nhân vật trong các sự tích liên quan đến Đức phật thường thấy trong các bức tranh ngôi đền ở Bhutan. Mỗi mặt nạ tượng trưng cho một tính cách trong con người. Thông qua điệu múa nhắc nhở con người luôn sống tốt đẹp theo giáo lý nhà phật. Khi vũ công múa váy và tóc tung lên như đôi cánh để thể hiện mong muốn giác ngộ Đức phật. Màu sắc trang phục của các vũ công rất đa dạng, là tượng trưng cho muôn loài, đó là bức tranh thu nhỏ về cuộc sống của người dân nơi đây./.