Tuyết Lan

Những Ngôi sao đúng nghĩa

Họ lại là những văn nghệ sĩ. Đầu xuân, nhìn lại chặng đường thập kỉ qua, nhớ các chị, các anh, những ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật nước nhà.

1. NSND Phương Thanh (1956 – 2009)

Không đẹp như Thanh Quý, hút hồn như Minh Châu, nhưng với cái mỏng mày hay hạt, diễn xuất vượt trội, Phương Thanh đã “nổi” đầu tiên và thành danh đầu tiên với vai Hiền “cá sấu” trong Tội lỗi cuối cùng (ĐD Trần Phương) ở lớp điện ảnh khoá 2 ngày ấy. Vai diễn đầy “ám ảnh” đã đem lại cho Phương Thanh giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong Liên Hoan Phim Lần 5 (1980), phần thưởng xứng đáng của sự lăn lộn với nghề, sống chết với nghề và thâm nhập thực tế của chị. Sau 30 năm cống hiến (50 phim truyện nhựa, 100 phim truyền hình) với Những đứa con nuôi (1976), Những người đã gặp (1979), Lưu lạc trở về Sam Sao, Ai giận ai thương, Rừng lạnh (1982), Bãi biển đời người (1983)…chị là một gương mặt xuất sắc của nền điện ảnh Việt Nam - một trong 11 nam nữ nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Xô Viết mà họ vô cùng yêu quý.


2. NSND Lâm Tới (1937 -2010)

Nói đến Lâm Tới là nói đến Trần Sùng - tên ác ôn có học khét tiếng trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), vai diễn thành công ngoài mong đợi đã khiến Lâm Tới “mất tên” và bộ phim được giải Hội đồng Hoà bình thế giới ở LHP Quốc Tế Mascova 1975.Thực ra, không chỉ Trần Sùng, nói tới Lâm Tới là nói đến Núi (Đường về quê mẹ), Ba Đô (Cánh đồng hoang), Tám Quyện (Mùa gió chướng) và rất nhiều phim khác. Tốt nghiệp loại ưu với vai diễn trình làng Hai người Lính, Lâm Tới có khả năng hoá thân đa dạng các loại vai, dù là phản diện hay chính diện. Một Trần Sùng xảo quyệt, một đồ tể run sợ trước khí phách hiên ngang của nữ chiến sĩ cách mạng khi hắn đốt 10 đầu ngón tay của chị trong Nổi gió, một Núi công binh kiên cường chất phác trong Đường về quê mẹ, một Ba Đô bộc trực, sống chết cho lí tưởng cách mạng trong Cánh đồng hoang và một Tám Quyện chân chất nói lời cuối với bà con trước khi bị giặc chôn sống trong Mùa gió chướng. Vai diễn “lột xác” này khiến nhiều người thổn thức còn Ba Đô của Cánh đồng hoang đã đem lại cho anh Bông Sen Vàng LHP Việt Nam 1980 và Huy chương vàng LHP Quốc Tế Mascova 1981.

3. NSND Trọng Khôi (1943 -2012)

Thuộc thế hệ vàng của sân khấu Việt Nam với phương châm “vai sau phải khác vai trước”, sau một loạt những thành công trong sân khấu và điện ảnh như Đôi mắt, Kẻ đốt đền, Vua Lia, Trừng phạt, Huyền thoại Mẹ…Trọng Khôi đã đánh một mốc son chói đỏ trong trang sử của nền nghệ thuật Cách Mạng với 2 vai diễn nặng kí là Trương Ba của Hồn Trương Ba, Da hàng Thịt, và Nghị Hách của Giông Tố. Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt có một sức hấp dẫn đặc biệt bởi cái tài của người nghệ sĩ trong việc thể hiện song hành 2 vai trái ngược trong một cá thể con người với sự phân thân nội tâm giằng xé. Vở diễn gây tiếng vang ở Liên Xô cũ, anh trở thành “Diễn viên tài năng nhất LHP QT Maxcova 1990” và diễn tiếp ở Mỹ 1998. Với Giông Tố của điện ảnh, một lần nữa “Khôi Nghị Hách” lại chinh phục khán giả bởi những mảng miếng “không giống ai” nhưng đầy tính thuyết phục trong việc lột tả tính cách điển hình đến không thể điển hình hơn ở nhân vật này.

4. NSND Trịnh Thịnh (1926 – 2014)

Trịnh Thịnh là một “ca” đặc biệt của điện ảnh Việt. Không mang vẻ đẹp sáng láng, nhưng cái duyên trời cho đã khiến ông trở thành một gương mặt đắt giá mỗi khi đạo diễn (kể cả nước ngoài) kiếm tìm bởi vốn ngoại ngữ và khả năng biến hoá hoàn hảo giữa hài và bi. Sau một loạt những vai diễn đáng nhớ trong Chung một dòng sông, Lá ngọc cành vàng, Chị Dậu, Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ, Xích lô… người ta nhớ ông ở ông Củng trong Vợ chồng anh Lực, ông nội thằng Bờm trong Thằng Bờm (Giải nam diễn viên xuất sắc nhất LHP lần 8), và ông vạn chài khổ đau, u uất đến mức quyên sinh trong Lời nguyền của dòng sông (Phim xuất sắc nhất LHP Brussel Bỉ 1992).


5. NSUT Anh Dũng (1951 – 2015)

Anh Dũng là một gương mặt nổi trội, thuộc thế hệ vàng sau khoá 1 của Trường Sân Khấu Việt Nam. Anh đã đóng hàng trăm vai diễn chính trên sân khấu và màn ảnh, để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả: Matsu - kẻ sống ngoài vòng pháp luật trong vở Matsu, con cả ông Trương Ba trong Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, Người cha thô bạo, Kỉ niệm đồi trăng, Hoa Anh Túc…Với Cô gái trên sông – bộ phim đạt giải Bạc trong LHP VN 1988, được công chiếu ở Canada, Mỹ, Ấn Độ, và trong LHP Quốc Tế Amiens ở Pháp năm 2016, tài năng của Anh Dũng một lần nữa được khẳng định.

6. NSND Tuệ Minh (1938 -2018)

Bà thuộc lớp diễn viên Khoá 1 của trường Điện Ảnh Việt Nam, cùng khoá với Trà Giang, Đức Hoàn, Phi Nga, Lịch Du…Trải qua nhiều vai diễn quan trọng như Chung một dòng sông, Một ngày đầu thu, Vợ chồng anh Lực, Nguyễn Văn Trỗi, Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm…nhưng nhắc đến Tuệ Minh là người ta nhớ đến những khoảnh khắc xuất thần của đôi mắt mà bà đã “tạc” vào các nhân vật của mình: cô bán gạo nhiều khổ đau trong Em bé Hà Nội, và sơ Khuyên cuồng tín trong Ngày Lễ Thánh. Sở hữu chất giọng mượt mà, truyền cảm, Tuệ Minh còn lồng tiếng, đọc truyện đêm khuya, truyện thiếu nhi trên Đài tiếng nói Việt Nam.

7. NSND Bùi Cường (1945 -2018)

“Anh Chí” là cái tên rất đỗi yêu thương, duy nhất mà khán giả đặt cho Bùi Cường dù cho nam nghệ sĩ đã trải qua vô số phim đình đám: Phút 89, Kẻ giết người, Biệt động Sài Gòn, Vụ áp phe Đông Dương, Tội lỗi cuối cùng…

“Chí Phèo” (Huy chương Vàng, diễn viên chính xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần 6, 1983) là phần thưởng vô giá cho những tháng ngày cực nhọc tìm cách thể hiện cho vai diễn kinh điển đầy khó khăn của Bùi Cường. Ngoài ra, anh còn là đạo diễn của gần 80 phim truyền hình mà trong đó Ông tướng tình báo và hai bà vợ (29 tập) đã đạt huy chương vàng tại LHP Truyền Hình toàn quốc 2004.


8. NSND Anh Tú (1962 – 2018)

Hơn 30 năm làm nghề, đảm nhiệm hầu hết các vai chính trong các vở kịch có tiếng: Rừng Trúc (Nguyễn Đình Thi), Mác-bet (Shakespere), Âm mưu Tình yêu (Sile), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), Anh Tú là gương mặt xuất sắc nổi trội của nền kịch nghệ phía Bắc trong suốt những năm đầu của thời kì bao cấp tới nhiều chục năm sau. Anh còn là đạo diễn tài ba của các vở Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Lâu đài cát, Kiều, Romeo và Juliet…Dù nổi tiếng trên cả truyền hình: Đàn Trời, Chiều ngang qua phố cũ, Ánh sáng trước mặt, Của để dành…anh vẫn từ chối nhiều vai ăn khách để tận tâm tận lực cho sân khấu. Ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ và tài năng đang độ chín, NSND Anh Tú luôn mãi là tấm gương cho đàn em noi theo về lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm cao, bản lĩnh sân khấu tuyệt vời cũng như nhân cách người nghệ sĩ.

9. NSND Thế Anh (1938 -2019)

Tốt nghiệp loại ưu khoá diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên 1964, sở hữu hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trên màn ảnh và sân khấu nhưng Thế Anh chỉ lấy tên của hai nhân vật trong 2 bộ phim (trong cuộc đời làm nghề) để đặt cho 2 người con trai của ông. Đó là Thế Phương (Trung uý Phương trong Nổi gió, 1966) và Thế Duy (Ba Duy trong Mối tình đầu, 1977). Nổi gió đã đưa tên tuổi Thế Anh lên hàng thượng thặng – Giải Bông Sen vàng qua 16 kì LHP Việt nam, và Mối tình đầu – cơn sốt vé – đã đem lại cho nam diễn viên giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất LHP VN 1980. Với sức lao động bền bỉ, ngôi sao gạo cội của Không nơi ẩn nấp, Đường về quê mẹ, Đêm hội Long Trì, Đồng tiền xương máu, Hồi chuông màu da cam…đã được trao danh hiệu Thành tựu trọn đời trong giải Cánh Diều Vàng 2015 với bao bồi hồi xúc động của ông sau hơn 55 cống hiến đời mình cho điện ảnh và sân khấu.


10. NSUT Chánh Tín (1952 – 2020)

Không kịp đón mùa xuân mới 2020, người nghệ sĩ đào hoa và tài hoa một thuở ấy đã lặng lẽ ra đi vào một đêm cuối đông để lại bao tiếc thương cho gia đình và đồng nghiệp. “Chánh Tín – Nguyễn Thành Luân (Ván bài lật ngửa)” là cụm từ mãi mãi đi vào tiềm thức của triệu triệu khán giả Việt yêu phim bởi sự hoá thân tuyệt vời của nam tài tử cũng như cái cuốn hút “chết người” mà bộ phim đem tới. Hào quang của giải thưởng “Nam diễn viên xuất sắc nhất LHP lần 8 năm 1985” cho con người “4 trong 1” ấy (ca sĩ, kịch sĩ, diễn viên điện ảnh, MC) đã rất xa, nhưng cơn địa chấn của hình tượng Nguyễn Thành Luân vẫn hằn in trong trái tim người hâm mộ.