Thủy Kiều

Sóng gió quanh các bộ phim mùa COVID-19

“Tẩy chay” đã trở thành từ khóa quen thuộc đối với những ai thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Gần đây, một số phim điện ảnh Việt cũng không tránh khỏi làn sóng dữ dội này.
Trạng Tí bị tẩy chay bất chấp kịch bản lôi cuốn, kỹ xảo đẹp,…
Trạng Tí bị tẩy chay bất chấp kịch bản lôi cuốn, kỹ xảo đẹp,….

Trạng Tí là một phim điện ảnh dựa trên bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt của tác giả Lê Linh, tuy nhiên lại được phát triển theo hướng thần thoại, viễn tưởng. Cuối năm 2018, vụ kiện quyền tác giả Thần đồng đất Việt giữa công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh từng gây xôn xao dư luận. Thời điểm đó, bộ phim Trạng Tí đã khởi quay. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã chủ động gặp Lê Linh, mời anh đóng góp ý tưởng cho dự án, song họa sĩ từ chối vì đang tham gia kiện tụng. Cuối năm 2019, trong phiên phúc thẩm, tòa xác định Lê Linh là "cha đẻ" bốn nhân vật chính của bộ truyện (quyền sở hữu vẫn thuộc về công ty Phan Thị). Lúc này, Ngô Thanh Vân tiếp tục mời Lê Linh làm cố vấn. Họa sĩ vẫn từ chối, cho rằng tham gia cũng muộn, phim đã quay xong. Khi phim ra mắt teaser vào năm 2020 và vấp phải làn sóng tẩy chay đầu tiên từ khán giả, Ngô Thanh Vân lại mời Lê Linh vào dự án, đề nghị một khoản thù lao cho vai trò tư vấn nhưng anh lắc đầu.

Giải thích về thái độ dứt khoát này, họa sĩ Lê Linh cho biết anh từ chối vì bản thân không có đóng góp. Khi anh kể lại quá trình 12 năm đòi lại quyền tác giả bốn nhân vật Thần đồng đất Việt trên mạng xã hội, nhiều fan lên tiếng ủng hộ anh và tẩy chay phim. “Tôi chỉ đơn giản muốn giãi bày tâm tư. Trạng Tí không liên quan gì đến tôi, lựa chọn xem hay không là ở khán giả”, Lê Linh nói. Về phía Ngô Thanh Vân, cô cho rằng ê-kip đã có thái độ cầu thị khi ba lần đề nghị Lê Linh tham gia dự án. Nhà sản xuất nói không có chuyện cô bắt tay công ty Phan Thị "o ép" Lê Linh như một số thông tin trên mạng xã hội, vì đã trả đầy đủ phí tác quyền khi ký hợp đồng với Phan Thị. Để tri ân Lê Linh, trên poster mới nhất, ê-kíp ghi dòng chữ: “Từ những nhân vật được sáng tạo bởi họa sĩ Lê Linh”.

Một bộ phận khán giả thể hiện sự đáo để của mình khi cho rằng họ tẩy chay Trạng Tí không chỉ vì việc tranh chấp bản quyền mà còn do Ngô Thanh Vân sửa nguyên tác của truyện: bỏ hình ảnh cờ Việt Nam ra khỏi áo, Trạng Tí đi phá án thành đi tìm cha... Thậm chí, có ý kiến khá gay gắt khi cho rằng bộ phim Trạng Tí đã “băm nát” nguyên tác. Chẳng hạn, trong truyện, bổ tử (miếng vải thêu lên áo) của Trạng Tí có hình bản đồ chữ S, nhưng trong trailer được đổi thành hình cá chép.

Một bộ phim được thực hiện với kinh phí hàng chục tỉ mà bị tẩy chay, người buồn nhất chắc chắn là nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Trước những làn sóng tẩy chay liên tiếp dành cho Trạng Tí, Ngô Thanh Vân đã phải đăng tâm thư dài, trong đó có đoạn: “Xin rằng các bạn đừng so sánh truyện và phim, vì suy cho cùng, nó cũng là hai thể loại khác nhau. Nó được tạo nên từ hai nghệ sĩ xuất sắc và đầy kinh nghiệm ở cả hai lĩnh vực”.

Bên cạnh bối cảnh hoành tráng, to lớn, phần kỹ xảo trong phim cũng rất đầu tư, đặc biệt ở đoạn cuối. “Ê-kip lên đến 500 người, 43 tỉ đồng là con số quá lớn cho một bộ phim thiếu nhi. Đối với những bình luận trên mạng, tôi đọc hết, tôi hiểu hết. Là người đứng đầu, tôi chịu đựng được hết nhưng nếu những bình luận đó chĩa vào sản phẩm, cho rằng sản phẩm không đủ chất lượng thì không cần thiết. Kinh phí lớn và hơn 3 năm ròng rã của nhiều người chỉ để làm nên một sản phẩm nghiêm túc", Ngô Thanh Vân khẳng định.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, anh đã quen với việc phim bị tẩy chay. Phim đầu tiên bị phản đối vì tiêu đề Em là bà nội của anh, phim thứ hai Cô gái đến từ hôm qua bị phản đối vì chọn Ngô Kiến Huy và Miu Lê đóng vai học sinh. Do đó, anh tỏ ra khá bình thản. “Tôi hoàn toàn hiểu việc tẩy chay. Rất nhiều người thương anh Lê Linh vì mười mấy năm chịu bất công. Nhiều người đặt tình cảm lớn vào đó nên không quan tâm đến cái lý. Điều trùng hợp là trong phim, mẹ Tí cũng nói: Nhiều khi cái tình còn lớn hơn cái lý", nam đạo diễn chia sẻ. Đồng thời, anh tin rằng vẫn còn nhiều khán giả yêu thương và ủng hộ phim. Anh không quan tâm đến những lùm xùm mà muốn tạo ra một sản phẩm ý nghĩa dành cho thiếu nhi.

Trạng Tí là một trong những phim Việt có kỹ xảo tốt nhất từ trước đến nay. Những nét cử động như thật của ông Thiện và ông Ác, hay sự xuất hiện của Thần Hồ lấy hình ảnh của chính chú hổ trong tranh dân gian Hàng Trống với những chuyển động “không hề giả trân”... Bên cạnh đó, kịch bản chặt chẽ, lôi cuốn, cùng những khoảng lặng để người xem được ngẫm nghĩ, cũng như chìm vào cảm xúc cùng nhân vật chính là những điểm cộng dành cho Trạng Tí. Những bài học được đưa ra một cách khéo léo, nhẹ nhàng, sâu sắc, mà không hề giáo điều dành cho con trẻ.

Vừa ra rạp được 3 ngày, Trạng Tí phải ngưng chiếu vì COVID-19. Quả là một bộ phim đầy sóng gió.