Theo Sở hữu trí tuệ

Các quý cô sành điệu thập niên 80 - 90 làm đẹp như thế nào?

Vào thập niên 80 - 90, thị trường mỹ phẩm chưa sôi động vì vậy các sản phẩm đơn giản như Hộp phấn bông lúa Thái Lan, phấn con én, kem sâm vàng, son gió, xà bông Cô Ba, sáp nẻ Liên Xô... đã nhanh chóng được nhiều chị em phụ nữ hưởng ứng.

Phấn bông lúa

Phấn Bông lúa có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc. Loại phấn này có vỏ nhựa nắp xoay màu trắng với họa tiết in nổi màu vàng. Khi sử dụng, người dùng phải làm ướt bông/ cọ rồi mới chấm và dặm phấn lên mặt. Khi đó phấn sẽ phát huy tối đa tác dụng làm mướt mịn da.

Tuy nhiên, do có ít tông màu nên thông thường, gương mặt người dùng sẽ trắng hơn hẳn da thật. Điều này khiến da của họ không được thật và mang lại một lớp nền dày.

Phấn con én

Trên thị trường mỹ phẩm năm 80-90, những hộp phấn con én đỏ được nhiều phụ nữ ưa chuộng. Giá một hộp phấn hồi đó khoảng hơn 10 ngàn đồng, nhưng so với 1 mớ rau chỉ 200 đồng, 1 kg thịt chỉ khoảng 20 nghìn thì giá này không rẻ với thu nhập của nhiều bà, nhiều mẹ. Vì vậy khi những hộp phấn đánh hết, nhiều người không vứt đi mà giữ lại để làm gương soi.

Kem sâm

Nếu như son chỉ có một loại thì kem nền cũng không hơn. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phụ nữ thường trang điểm bằng sản phẩm nền duy nhất là kem sâm. Loại kem này mang lại làn da trắng mịn tức thời và hiệu ứng ráo mịn suốt nhiều giờ liền nên người dùng có thể thoa mà không cần đến phấn phủ.

Dù có nhiều nhãn hiệu khác nhau nhưng kem sâm có điểm chung là chất kem đặc màu vàng nhạt, đựng trong hộp nhựa cứng bằng lòng bàn tay. Một số phụ nữ còn dùng chúng như kem dưỡng ban ngày, có thể coi kem sâm là “BB cream thời bao cấp”. Hiện nay, sản phẩm này được bán với giá chỉ vài ngàn đồng và vẫn được nhiều người yêu thích.

Son gió

Chẳng như ngày nay, chúng ta có hàng trăm loại son để lựa chọn, những năm trước các bà, các mẹ chỉ có mỗi một loại son gió của Thái Lan hoặc Trung Quốc là “bạn đồng hành” cho đôi môi mỗi khi ra đường. Loại son này có vỏ bằng nhựa với hai màu đen-cam đan xen nhau, không lên màu ngay mà phải gặp gió thì mới đậm dần. Điểm đặc biệt của son gió là khả năng bám màu rất lâu, nhiều người còn tận dụng làm phấn má hồng.

Dầu gội Bồ kết

Bồ kết là bí quyết vang bóng một thời trong khoản làm đẹp của các bà các mẹ chúng ta. Để tiện hơn cho khoản phơi khô rồi đun nước, dầu gội bồ kết đã ra đời. Chúng giúp cho mái tóc trở nên đen bóng, suôn mượt tự nhiên.

Xà bông Cô ba

Vào những thập niên 40-50, ở Sài Gòn có nhãn hiệu Xà Bông Cô Ba rất nổi tiếng, không những tại Việt Nam mà còn lan rộng sang tận xứ Cao Miên và Lào. Nhãn xà phòng thơm này nổi danh trong mấy thập niên liền đến tận những năm 80-90 vẫn còn được phái đẹp sử dụng rộng rãi, đánh bật cả các đối thủ nặng ký nhập từ Pháp.

Người Nam Bộ thời trước không ai không biết đến Xà Bông Cô Ba, với hình ảnh quen thuộc là người phụ nữ phúc hậu với mái tóc bới cao theo kiểu cách Nam bộ. Xà Bông Cô Ba có hai loại, loại xà bông thơm để tắm, loại 72 phần dầu dùng để giặt giũ (còn gọi là xà bông đá). Xà Bông Cô Ba xuất hiện trên quảng cáo khắp các báo chí thời bấy giờ với lời: "Dùng xà bông xấu, mục quần áo" - hay "Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam".

Sáp nẻ Liên Xô

Đây là thứ mỹ phẩm được quý hơn vàng, đặc biệt trong những ngày đông hanh khô ở miền Bắc. Tác dụng thì rất đơn giản: dưỡng da, chống nẻ nhưng hiệu quả cao. Tuy nhiên trong thời kỳ khó khăn ngày xưa thì sáp nẻ Liên Xô không phải thứ dễ kiếm.

Keo xịt tóc Sài Gòn

Chuyện tóc tai thời đấy cũng nan giải không kém, với mốt tóc xoăn pire ngắn hay xoăn lọn to... các chị em luôn cần một sản phẩm để giữ nếp cho tóc. Và khi ấy, keo xịt tóc Sài Gòn là một sản phẩm độc tôn và bất ly thân của các bà, các mẹ.