Thư Đỗ

Sử dụng mỹ phẩm an toàn, hiệu quả - Chống nắng đúng cách

Mọi làn da phụ nữ đều cần kem chống nắng. Cũng từ đây phát sinh nhiều thắc mắc của phụ nữ khi sử dụng loại sản phẩm này. Chẳng hạn như sản phẩm nào an toàn? Tại sao thoa kem chống nắng mà da vẫn bị đen đi? Liệu có thể thay thế kem chống nắng bằng dầu dừa?... Bài viết này sẽ giải thích các khái niệm trong mỹ phẩm chống nắng và các hiểu lầm khi sử dụng những sản phẩm này.

Box : Kem chống nắng được bảo quản ở nơi nóng (trên 26 độ) thì khả năng chống nắng sụt giảm rất nhanh chóng.

Box : Kem chống nắng cần được thoa lại, thông thường là sau mỗi 2 tiếng.

Box : Đối với các hoạt động thường ngày, nếu không dùng kem chống nắng, bạn vẫn có thể dùng các biện pháp thay thế như mũ, nón, khẩu trang và ô. Thậm chí, những biện pháp này còn có thể bảo vệ da khỏi UVA bước sóng dài, là điều kem chống nắng không làm được.

CÁC LOẠI CHỈ SỐ CHỐNG NẮNG TRONG MỸ PHẨM

Hiện tại, trên thế giới đang phổ biến hai chỉ số chống nắng, là SPF và PA

1. SPF (Sun Protection Factor): hiển thị khả năng bảo vệ da khỏi tia tử ngoại UVB của sản phẩm. Tia tử ngoại UVB có bước sóng từ 290-320 nanomet, loại tia này được chứng minh là gây bỏng nắng, cháy nắng (với các hiện tượng như da bỏng rát, phồng rộp) và trực tiếp phá hủy tế bào da, gây ung thư da. Chỉ số SPF được đánh giá theo số từ thấp đến cao, hiện tại cao nhất là 50+

2. PA (Protection of UVA): hiển thị khả năng bảo vệ da khỏi các tia tử ngoại có bước sóng từ 320 đến khoảng 340 nanomet (là loại UVA bước sóng ngắn). Loại tia tử ngoại này gây ra hiện tượng tăng sắc tố (với biểu hiện là sạm, nám và tàn nhang). Chỉ số PA được đánh giá theo hệ các dấu cộng, từ + đến ++++. Chỉ số này được xác định dựa trên một chỉ số chống nắng khác là PPD (Persistent Pigment Darkening).

SPF và PA được đo như thế nào?

- SPF và PPD (là tiền đề để đánh giá PA) đều được đánh giá trên cùng một thang tính. Về lý thuyết, con số mà SPF và PPD thể hiện giải thích số lần mà sản phẩm có thể bảo vệ da so với khả năng chống nắng tự nhiên của da. Ví dụ nếu không chống nắng, da một người mất 10 phút sẽ bỏng nắng, thì với SPF2 (nhân 2 lần), họ mất 20 phút mới bỏng nắng. Nhưng đây là lý thuyết, vì SPF50 theo lý thuyết thì bảo vệ được 10*50 = 500 phút chẳng hạn, nhưng kem chống nắng sẽ trôi đi chứ không bám trên da lâu đến 500 phút. Vì vậy, mới có phương pháp tính là: Trong 20 phút bôi kem chống nắng SPF2, thì da tự bảo vệ được 10 phút = 50% (khỏi UVB), còn kem chống nắng bảo vệ được 10 phút = 50%. Tức là SPF2 có khả năng bảo vệ da khỏi 50% lượng tia tử ngoại.

Ví dụ thoa SPF50, thì trong 500 phút, da tự bảo vệ được 10 phút = 2%, còn kem chống nắng bảo vệ được cho da khỏi 490 phút = 98% còn lại.

Chỉ số SPF

(hoặc PPD)

Khả năng chống UVB

(hoặc UVA bước sóng ngắn)

2

50%

4

75%

8

88%

10

90%

15

93%

20

95%

30

97%

50

98%

70

98.6%

100

99%

Dựa theo bảng trên đây, ta có thể thấy: chỉ số SPF (hoặc PPD) từ 15 trở lên, khả năng chống tia tử ngoại (UVB và UVA bước sóng ngắn) không tăng lên đáng kể.

- PA: được quy từ chỉ số PPD theo bảng sau:


Khả năng chống UVA bước sóng ngắn

Quy đổi sang PA

Từ PPD 2

50%

PA+

Từ PPD 4

75%

PA++

Từ PPD 8

88%

PA+++

Từ PPD 16

94%

PA++++

CÁC THÀNH PHẦN CHỐNG NẮNG

Thành phần chống nắng trong mỹ phẩm được chia làm hai nhóm: vật lý (physical) và hóa học (chemical).

- Thành phần chống nắng vật lý bảo vệ da bằng cách tạo một “tấm gương phản chiếu”, để tia tử ngoại khi tiếp xúc với kem chống nắng thì sẽ chuyển hướng, không tiếp xúc với da. Hiện tại chỉ có hai thành phần chống nắng thuộc nhóm vật lý, là titanium dioxide (TiO2) và zinc oxide (ZnO).

- Thành phần chống nắng hóa học bảo vệ da bằng cách tạo ra phản ứng hóa học khi có tia tử ngoại tiếp xúc với kem chống nắng. Phản ứng hóa học này sinh nhiệt và có thể gây kích ứng ở một số người, vì thế nhóm thành phần này thường tránh dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi và tránh dùng cho da nhạy cảm. Tất cả các thành phần chống nắng ngoại trừ titanium dioxide và kẽm oxit đều thuộc nhóm hóa học, chẳng hạn như aminobenzoic acid (PABA), avobenzone, octinoate, octocrylene, oxybenzone v.v…

NHỮNG SAI LẦM/HIỂU LẦM KHI SỬ DỤNG KEM CHỐNG NẮNG

Kem chống nắng giảm nguy cơ xuất hiện nếp nhăn

Nếp nhăn trên da xuất hiện do collagen bị đứt gãy. Trong ánh sáng mặt trời, yếu tố gây đứt gãy collagen là tia tử ngoại UVA bước sóng dài (340 - 400 nanomet). Hiện nay, trên thế giới mới chỉ xác định được các chỉ số bảo vệ da khỏi UVB (là chỉ số SPF) và UVA bước sóng ngắn (là PA, hoặc hệ Boots của Anh). Như vậy, đối với việc đo đạc khả năng bảo vệ da khỏi UVA bước sóng dài là chưa có.

Trong tất cả các thành phần chống nắng trong mỹ phẩm, hiện chỉ có avobenzone, ecamsule và zinc oxide được cho là có khả năng chống lại UVA bước sóng dài. Tuy nhiên, khả năng ấy cụ thể là như thế nào thì khoa học vẫn còn bỏ ngỏ. Bạn không nên đặt nhiều niềm tin vào việc kem chống nắng sẽ giúp bạn chống lại sự lão hóa do UVA bước sóng dài mang lại.

Dầu dừa, dầu argan, bơ thực vật… có thể thay thế kem chống nắng

Đây là tin đồn nhiều chị em rỉ tai nhau và kết quả là da vẫn bị cháy nắng khi đi du lịch. Ngành công nghiệp mỹ phẩm không chứng nhận cho bất cứ loại dầu, bơ, mỡ động thực vật nào là có khả năng chống nắng, hay có chỉ số chống nắng (dù thấp). Các loại dầu này chỉ giúp làm dịu, đỡ khô và đỡ cảm giác rát da khi ra đường, chứ hoàn toàn không giúp chống nắng cho da.

Dùng kem chống nắng vẫn thấy đen đi?

Có rất nhiều lý do cho hiện tượng này, chủ yếu là do cách bảo quản hoặc sử dụng sai. Dưới đây là những lý do hay gặp:

- Sản phẩm được bảo quản sai cách (đặc biệt với các thành phần chống nắng hóa học). Phản ứng hóa học của các thành phần chống nắng hóa học xảy ra nhanh hơn ở môi trường có nhiệt độ cao, hoặc khi có ánh sáng xuyên qua sản phẩm. Chính vì thế, nếu kem chống nắng (chứa thành phần chống nắng hóa học) được bảo quản ở nơi nóng (trên 26 độ) thì khả năng chống nắng sụt giảm rất nhanh chóng. Bạn lưu ý: không mua kem chống nắng ở những nơi bảo quản không đúng cách; không mua kem chống nắng ở chai trong suốt hoặc trong mờ (tạo điều kiện ánh sáng lọt qua); không mua ở dạng hũ (có bề mặt tiếp xúc với ánh sáng quá lớn); không để kem chống nắng từ mùa này sang mùa khác (phản ứng hóa học xảy ra dần trong sản phẩm). Tốt nhất, một tuýp kem chống nắng hóa học chỉ nên dùng tối đa trong 2 tháng.

- Thoa ít hơn liều lượng cho phép. Chỉ số SPF và PPD được tính ở độ dày 2 miligram/cm2 trên da (khoảng 1,2 gram sản phẩm cho toàn mặt), tuy nhiên đa số người dùng không sử dụng đủ liều vì thấy kem chống nắng rất nhờn dính ở môi trường Việt Nam. Chính vì thế, khả năng bảo vệ da của sản phẩm bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đặc biệt diễn ra đối với các sản phẩm chống nắng dạng trang điểm (cushion, kem nền có chỉ số chống nắng), dạng xịt lên da. Những loại chống nắng này thường được phủ lên da với một lớp rất mỏng, khả năng chống nắng rất thấp

- Lâu không thoa lại. Đa số người tiêu dùng vẫn hiểu chỉ số chống nắng là thời gian bảo vệ da của sản phẩm (ví dụ SPF50 là 500 phút). Điều này chỉ là lý thuyết và không có tính thực tiễn. Bởi kem chống nắng trên thực tế trôi đi theo mồ hôi, hoặc trôi đi khi da tiếp xúc với những vật thể khác. Chính vì thế, kem chống nắng cần được thoa lại, thông thường là sau mỗi 2 tiếng.

- Kích ứng với kem chống nắng. Những người dùng kem chống nắng mà thấy các biểu hiện kích ứng (ngứa, đỏ, châm chích, nóng…) thì tốt nhất là đi rửa mặt và ngừng sử dụng sản phẩm. Bởi kích ứng cũng khiến da sản sinh nhiều melanin gây sạm, nám và tàn nhang (giống trường hợp muỗi đốt, hoặc mụn viêm sẽ để lại vết thâm). Thông thường, những thành phần dễ gây kích ứng của kem chống nắng bao gồm: nhiều loại thành phần chống nắng hóa học, hương liệu, chất bảo quản.

Kem chống nắng là quan trọng nhất, những thứ khác không quan trọng

Chống nắng nên là một trong những chiến lược chăm sóc da, chứ không phải là yếu tố chăm sóc da duy nhất. Với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, nếu nhất nhất vì chống nắng mà phải chọn một sản phẩm gây nhờn dính, thì làn da sẽ rất dễ bít tắc, stress, đổ dầu và lên mụn. Các yếu tố này khiến làn da trở nên mất thẩm mỹ ngay lập tức, so với việc chống nắng để “giảm nếp nhăn khi về già” (là điều người tiêu dùng chưa thể nghiệm thu ngay). Mặt khác, làn da nhờn dính sẽ bám bụi từ môi trường, trong khói bụi cũng có những thành phần đẩy nhanh tốc độ lão hóa da.

Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng một sản phẩm kem chống nắng gây nhờn dính, thì dù có khả năng chống nắng tốt đến đâu, hãy cân nhắc chống nắng bằng những biện pháp thay thế.

Kem chống nắng là phương pháp chống nắng hữu hiệu nhất

Đối với các hoạt động thường ngày, nếu không dùng kem chống nắng, bạn vẫn có thể dùng các biện pháp thay thế như mũ, nón, khẩu trang và ô. Thậm chí, những biện pháp này còn có thể bảo vệ da khỏi UVA bước sóng dài, là điều kem chống nắng không làm được. Quần áo bò có chỉ số chống nắng có thể lên đến 50+. Quần áo và mũ vải thông thường có chỉ số khoảng 3-7 (con số này tuy khiêm tốn, nhưng chỉ số 3 – 7 có nghĩa là bảo vệ cho da được 67 đến 86% lượng tia tử ngoại – là một con số rất đáng kể).

Chống nắng bằng trang phục cũng giúp bạn giảm thiểu những phiền toái về việc phải thoa lại kem chống nắng sau mỗi vài tiếng sử dụng, hoặc giảm nguy cơ kích ứng da, lên mụn… do bí da.

Khi lựa chọn chống nắng cho da bằng trang phục, bạn lưu ý các chi tiết:

- Vải được dệt chặt chống nắng tốt hơn vải dệt thưa.

- Vải dày chống nắng tốt hơn vải mỏng.

- Vải tối màu chống nắng tốt hơn vải sáng màu

- Chất liệu tổng hợp như polyester hoặc rayon chống nắng tốt hơn đồ cotton

- Chất liệu bóng bẩy như satin chống nắng tốt hơn chất liệu không bóng.

- Quần áo khô chống nắng tốt hơn quần áo ướt

Bạn có thể cảm nhận được khả năng chống nắng của quần áo và mũ của bạn. Bạn có thể giơ nó ra ánh sáng: nếu bạn hoàn toàn không thấy ánh sáng thì khả năng của nó tạm được. Nếu ánh sáng không lọt qua nhưng bạn thấy áo của bạn sáng lên thì khả năng chống nắng của nó không tốt lắm. Nếu tia sáng có thể xuyên qua vải và đến mặt bạn thì nó gần như không có giá trị.

Thư Đỗ

(Nguồn : https://www.skincancer.org/prevention/sun-protection/sunscreen/sunscreens-explained?fbclid=IwAR16xjg7rLKi15Ujzx5339uSGxkbr0sfua-XH6Z9B7oiloSNWYGbFDj5kh0)