theo Suckhoedoisong

Chăm sóc da trong mùa hè

Nắng nóng mùa hè có thể là nguyên nhân khiến da bị tổn thương nếu chúng ta không biết cách chăm sóc da cho đúng.

Khi môi trường bị ô nhiễm, khí hậu nóng bức, da là một trong các cơ quan của con người bị ảnh hưởng trực tiếp. Nguyên nhân bên ngoài gây bệnh ngoài da là các tác động cơ học, hóa học; các tác nhân vật lý như ánh sáng hay sự thay đổi nhiệt độ; các yếu tố của môi trường, tác nhân sinh học như cây cỏ, côn trùng, ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm... Các nguyên nhân bên trong gây bệnh da có thể do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch, hệ thần kinh, rối loạn nội tiết, chuyển hóa cơ bản, rối loạn chức năng tiêu hóa, thiếu vitamin...

Có những bệnh về da lại bắt nguồn từ virut, vi khuẩn, vi nấm, côn trùng và ký sinh trùng như viêm da mủ, viêm nang lông, hắc lào, lang ben, nấm kẽ, nấm tóc, thủy đậu, zona, herpes simplex, tay - chân - miệng... Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời ngoài việc có tác dụng tổng hợp vitamin D chống còi xương… lại là nguyên nhân gây ra tàn nhang, sạm da, bỏng nắng, viêm da do ánh sáng, khô da sắc tố và gây ung thư da khi da phơi nhiễm ánh nắng lâu ngày mà không được bảo vệ.

Để giúp làn da khỏe đẹp trong những ngày nắng nóng, cần thực hiện những biện pháp rất đơn giản sau:

    - Hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh mặt trời và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30. Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng gắt (từ 10 -16 giờ). Nếu cần ra ngoài khi trời nắng thì mang kính râm, đội mũ rộng vành, mặc áo quần che kín làn da, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

    - Sử dụng kem chống nắng và kem trang điểm không có chất dầu.

    - Thường xuyên tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn, bụi bặm, chất nhờn và chất tiết mồ hôi trên da, giúp phòng tránh các bệnh do nấm, vi khuẩn, côn trùng, ký sinh trùng.

    - Vệ sinh môi trường nơi làm việc và nhà ở để hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh tiếp xúc với da.

    - Tắm nước lạnh và tránh dùng các loại xà phòng làm khô da.

    - Mặc quần áo bằng loại vải sợi cotton mỏng, mềm, nhẹ, có thể hút ẩm vào mùa hè; sử dụng quạt thông khí hay máy điều hòa nhiệt độ.

    - Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.

    - Tránh dùng các loại phấn rôm, kem bôi khi không có chỉ định của thầy thuốc. Phấn rôm có thể gây tổn hại đến mắt và hệ hô hấp của trẻ em, do đó không được thoa phấn rôm lên mặt hay gần mắt, mũi của trẻ; không thoa phấn vào mặt trong đùi, quanh âm hộ, bụng dưới của trẻ em gái.