HẠNH ĐỖ

Phượt từ châu Phi về làm chợ phiên Người yêu cũ

Giới trẻ ở Hà Nội nhiều người đã biết có một chợ phiên Người yêu cũ thường diễn ra vào Chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng. Nhưng ít người biết, “kẻ” sáng lập ra hội chợ này là một chàng trai rất được giới phượt ngầm hoan nghênh bởi hành trình đường bộ từ châu Phi về Việt Nam trong suốt 10 năm liên tục.
Hội chợ Người yêu cũ

Chợ phiên Người yêu cũ bán gì?

Cuối năm 2016, một Hội chợ Người yêu cũ đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội đã khiến giới trẻ hưng phấn cả một thời gian dài. Cái hội chợ bé tí này sở dĩ được chào đón bởi vì: “nó kỳ quặc, chưa nghe bao giờ” (giải thích của rất nhiều khách tham gia). Nói là “bé tí” bởi Hội chợ chỉ tổ chức trong khuôn viên một quán cà phê dành cho dân phượt, người ta có thể tìm được nó là nhờ một lời kêu gọi trên facebook và một cái băng rôn đơn giản: chỗ này là Hội chợ Người yêu cũ!

Hội chợ Người yêu cũ

Thắng Đinh (sinh năm 1982), người tổ chức Hội chợ này cho biết: khi đó, nhu cầu của các bạn thất tình khá lớn, và thường nghe nhiều nhất là những phàn nàn: làm gì với những kỷ vật tình yêu khi đã đường ai nấy đi? Thế là hội chợ Người yêu cũ ra đời. Chỉ có hai mục đích: thứ nhất, tái sử dụng đồ vật, tránh ô nhiễm môi trường, thứ hai, tạo không gian cho những người thất tình được chia sẻ, lắng nghe, gặp gỡ...

Thắng không đặt mục đích thương mại trong những lần tổ chức này. Hội chợ đầu tiên tự làm mọi việc: từ lên ý tưởng, kêu gọi khách hàng, xin địa điểm tổ chức... đến bỏ ngân sách ba trăm ngàn. Anh giải thích, bởi vì khâu chuẩn bị đã hợp lý rồi, số tiền này chỉ phải dùng để thuê nhân công dọn dẹp sau Hội chợ.

Hội chợ Người yêu cũ

Đều đặn từ đó đến nay, cứ Chủ nhật đầu tiên của tháng là chợ phiên Người yêu cũ lại bắt đầu. Ở đây có những sạp hàng bán đồ đôi, đồ lưu niệm, đồ tái chế, đồ thủ công... và cả những gian chỉ bày đồ không bán. Trong góc Người yêu cũ này, những thư tay, bưu thiếp, nhật ký, sách vở, lời yêu v.v... được bày công khai để mọi người cùng đọc, cùng cười, cùng tìm trong ký ức những xúc cảm tương tự, “ấy không phải là duy nhất”. Ở một vài phiên, còn có người đeo biển trước ngực, trực tiếp rao bán người yêu! Vài cặp đôi đã thành hình từ đây. Vài cặp chia tay và những nỗi buồn ly biệt trở nên “cũng không khủng khiếp đến thế”, “nó là một trải nghiệm trong trẻo mà mình muốn chứ không phải là một vết sẹo tinh thần” (chia sẻ của khách tham gia).

Hội chợ kỳ lạ này đã được báo chí nước ngoài chú ý, một show truyền hình của Hàn quốc giới thiệu, AP đưa tin, sau này nó được nhân bản ở một số tỉnh thành. Bởi vì phổ cập, khách đến hội chợ có cả người già. Một “bà nội xì tin” cho biết: cứ tưởng thời facebook, zalo thì chúng nó không viết thư tay cho nhau nữa, hóa ra lớp trẻ bây giờ vẫn rất chuộng những thứ hoài cổ!

Hội chợ Người yêu cũ

10 năm đi từ châu Phi về Việt Nam

Năm 2001, khi mới 18 tuổi và đang học Đại học, Thắng đăng ký một chương trình từ thiện 8 tháng ở Gambia. Bị quốc gia Tây Phi này hấp dẫn, Thắng xin bảo lưu kết quả học và bắt đầu hành trình khám phá châu Phi bằng đường bộ. Không ai ngờ, hành trình này vậy mà kéo dài 10 năm.

Suốt 10 năm đó, Thắng đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác chỉ bằng ô tô, tàu hỏa, xe máy, lạc đà, ngựa... tùy địa hình. Thỉnh thoảng hành trình gián đoạn vì Thắng về Việt Nam thăm nhà hoặc phải “chết dí” ở một thành phố nào đó cày cuốc kiếm tiền. Học IT và vững tiếng Anh có cái lợi là tìm đầu việc khá dễ và thù lao không đến nỗi nào. Những công việc đã nuôi sống chàng trai 20 tuổi bao gồm: thiết kế, dịch thuật, cứu chữa dữ liệu...

Trên đường phượt

Có giai đoạn, Thắng phải vòng vèo qua Canada để kiếm việc. Không may bị mất visa, mất hộ chiếu (mới làm lại) và bị chính quyền sở tại nghi đã bán hộ chiếu cho tội phạm nên không cấp lại. Ở Canada, Thắng có duy nhất tờ giấy làm việc là có hiệu lực. Mãi sau này nhờ người quen bảo lãnh mới tiếp tục được xuất cảnh.

“Quãng đường xa và phải đi qua nhiều quốc gia, nhưng tôi không vạch ra hành trình cụ thể. Chuyến đi này sẽ quyết định hướng của chuyến đi sau. Tất cả đều nhờ người địa phương tư vấn, tôi không dùng internet để lên kế hoạch. Người địa phương bảo, mày nên đến chỗ này, đừng đi chỗ kia kẻo gặp nội chiến, tôi sẽ nghe họ”. Thắng cho biết.

Khó khăn nhất trong hành trình là ốm đau. Sốt cao, ngộ độc thức ăn, loét dạ dày... mỗi một “tai họa” đều nhớ đời vì không có người thân ở bên. Sau này về nước, tiếp tục học lại đại học, có nhóm phượt nhờ Thắng tư vấn những cách “sống sót” khi đi xa một mình, anh bảo: “về được đến nhà đều là nhờ may mắn”. Câu trả lời cụt hứng như vậy nhưng đến tai những “giang hồ có số” họ lại khẳng định: “nó nói thế là thật. Đất khách quê người rất khó nói mạnh điều gì”.

Trên đường phượt

Trong hành trình xa lạ ấy, Thắng bảo, phải nhớ vài kỹ xảo để nhanh chóng thu thập thông tin và tìm kiếm giúp đỡ. Bởi vì ở nhiều vùng, tiếng Anh chính là ngoại ngữ, thì phải tìm cách đến phố trung tâm, đi loanh quanh và tìm ra một người nước ngoài. Thường, tại tất cả các thành phố đều có hội người nước ngoài, họ gặp mặt định kỳ và chia sẻ rất nhiều thông tin sinh tồn, kiểu như: làm ăn buôn bán thế nào, quan hệ với cảnh sát, giá cả, đổi tiền ra sao... Và chỉ trong một hai ngày, dù là tiếng thổ dân, bạn cũng có thể học được những từ ngữ cơ bản như: cảnh sát, bệnh viện, đồ ăn, nhà trọ v.v... Một thứ ngôn ngữ phi biên giới nữa, ở đâu cũng áp dụng được đó là body language, trong những lúc cấp thiết, ngôn ngữ cơ thể cũng là một chìa khóa của ấm no.

Độc hành suốt bảy năm, mãi đến năm 2008 Thắng mới bắt đầu mua máy ảnh kỹ thuật số, trước đó thỉnh thoảng anh sẽ nhận được một vài bức ảnh phim do người trên đường chụp và gửi thư tặng.

Ở nhà nấu rượu

Sau khi về nước hoàn tất chương trình học IT, Thắng còn học thêm về Kinh tế, Quản lý. Hai năm gần đây anh làm việc tự do và mở quán bán rượu tự cất.

Sở thích cất rượu cũng bắt đầu từ những câu chuyện trên đường phượt. Thắng bảo, chẳng có gì kéo những người xa lạ lại gần nhau hơn một chén rượu bên đống lửa dọc đường. Dù bạn không biết tiếng, dù bạn khác màu da, chỉ cần ngồi xuống, cụng ly, ngay sau đó người ta đã có thể bá vai bá cổ, như người anh em chia sẻ đồ ăn thức uống với bạn.

Thắng (đội mũ) ngồi giữa

Trên đường qua nhiều quốc gia, Thắng được tiếp xúc với công nghệ cất rượu của nhiều nơi. “Về cơ bản nền văn hóa nào cũng nấu rượu như nhau: tinh bột đường hóa thành đường, lên men thành rượu, rồi chưng cất và tinh chế. Vấn đề là làm ra vị thế nào thì do mình chủ động”.

Ở chỗ Thắng, rượu được chưng cất từ tất cả các loại ngũ cốc, hoa quả, thực vật có tinh bột. Nhưng sản phẩm đặc biệt nhất không được gọi là rượu, mà là dòng uống thuần cảm xúc. Khách đến nói chuyện vài lần để chủ quán cảm nhận được tính cách, sau đó sẽ làm ra dòng rượu đặc tả tính cách ấy, khiến người khác uống cũng nhận ra “chân dung rượu” là ai. Với một sản phẩm rượu cá nhân này, Thắng chỉ cần một nồi chưng từ 7-10 lít. Gọi là quán rượu của Thắng chỉ có mấy mét vuông, bày một cái bàn và những chai lọ từ 300ml trở xuống. Ở đó không có đồ ăn, không có “một hai ba dzô”, cũng không có cảnh khách say dù rượu ở đây đều trên 40 độ. Khách uống rượu phải đoán, trong số những vị phức tạp nơi đầu lưỡi là gì. “Đôi khi vị rượu giống như vị một cuộc tình”, Thắng hài hước.

 Với người làm nghệ thuật thường miễn phí!

Hội chợ Người yêu cũ của Thắng qua 12 kỳ đã bắt đầu có lãi. Tất nhiên chỉ là “lãi tí ti”, đủ để trả công cho một người hỗ trợ tổ chức bởi thỉnh thoảng “đầu trò” Thắng Đinh còn mải đi chơi. Hầu hết các gian hàng đăng ký tại hội chợ đều chỉ phải trả một mức phí tối thiểu. Riêng những gian thủ công, tái chế hoặc có hơi hướng nghệ thuật, Thắng miễn phí để khích lệ sáng tạo.

Trước khi mở quán rượu made in cá nhân, Thắng cùng bạn bè có mở quán bán rượu đúng nghĩa ở ven hồ Tây trên đường Tô Ngọc Vân. Sau này quán đóng cửa, chỗ thuê đó được Thắng biến thành nơi tập trung sáng tác cho các nghệ sĩ mới và nghèo. Người vẽ tranh, điêu khắc, họa sĩ làm nhạc... lần lượt tìm đến đây. Họ được mượn xưởng và không phải trả phí thuê mặt bằng. Bạn bè có người hỏi sao Thắng cứ miễn phí mãi thế, thì nhận được câu trả lời: những thứ miễn phí ấy coi như một sự hỗ trợ, và nó quá nhỏ so với những thứ mà các nghệ sĩ có thể làm ra!