Tạp chí Mỹ Phẩm

Sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu ở Việt Nam

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong mười trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Trong đó, nhóm các cây có tinh dầu cũng rất phong phú, mang những nét đặt trưng riêng cho vùng khí hậu cận nhiệt đới.

Tinh dầu và nguyên liệu chứa tinh dầu đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao. Chúng được tiêu thụ mạnh nhất là trong ngành thực phẩm, được dùng làm gia vị, chế biến rượu mùi với số lượng lớn và được buôn bán hàng năm trên thế giới với giá rất cao. 

Sau ngành thực phẩm, ngành sử dụng nguồn nguyên liệu lớn nữa về tinh dầu là ngành công nghiệp hương liệu và dược-mỹ phẩm, đây thực sự là những ngành đem lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tinh dầu còn được sử dụng trong công nghiệp sơn, công nghiệp chế biến một số hoá chất như tecpin, menthol, cineol, long não...

Ở Việt Nam, tinh dầu được sử dụng trong công nghiệp sản xuất nước hoa; làm xà phòng thơm, dầu gội (sả, bạch đàn, keo lá tràm, chanh, hoa hồng); làm dược phẩm có tác dụng thông tiểu tiện, ra mồ hôi, chữa sốt, dễ tiêu hóa (Cúc, quế, cam); làm hương liệu cho nước giải khát hoặc dùng để sát khuẩn, khử mùi (Sả chanh, hương nhu, đinh hương, ),…

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu tinh dầu hương liệu, tinh dầu kháng khuẩn sử dụng trong y học có thị trường rất lớn. Phần lớn tinh dầu sử dụng trong ngành thực phẩm, y dược hiện nay thường được nhập từ nước ngoài, giá thành rất cao. Trong khi đó, với phương tiện kỹ thuật công nghệ trong nước, hoàn toàn có thể sản xuất được nguồn tinh dầu này kể cả dạng thô và dạng tinh khiết. 

Vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay ở Việt nam là nguồn nguyên liệu thực vật chứa tinh dầu. Muốn sản xuất quy mô công nghiệp, phải tìm được các loài có hàm lượng tinh dầu cao và có thành phần tinh dầu đáp ứng được nhu cầu thị trường.Bên cạnh đó, phải có nguồn nguyên liệu đủ lớn có thể là tự nhiên hoặc trồng. Ở Hà Nội, Quảng Bình, đã có những mô hình trồng Bạch đàn, keo lá tràm để lấy tinh dầu và đã cho những kết quả ban đầu rất khả quan với thu nhập bình quân từ 60-80 triệu/ha/năm. Ở Quảng Trị đã có đề tài cấp tỉnh nghiên cứu mô hình trồng sả và chiết xuất tinh dầu, Đồng Nai có dự án trồng 500 ha các loại cây sả Java, sả chanh, sả Ấn Độ, tràm trà để lấy tinh dầu, …

Hệ thực vật Việt Nam có khoảng 12.000 loài, trong đó đã thống kê được 657 loài thực vật có tinh dầu, đặc biệt với nhiều loài và họ cho tinh dầu có giá trị thương phẩm. Chính vì vậy trong nhưng năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về tinh dầu của các loài và họ thực vật phân bố ở Việt Nam. Đặc biệt một số công trình lớn đã tiến hành khảo sát nguồn thực vật có tinh dầu ở các vùng khác nhau như vùng Bắc Trung Bộ (thực hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị), vùng Đông Bắc Việt Nam đã thống kê và phân tích được hàng trăm loài có tinh dầu, trong đó có nhiều loài cho tinh dầu quan trọng và có thể khai thác với khối lượng lớn.

Một số công trình nghiên cứu gần đây về khảo sát hàm lượng và thành phần hóa học tinh dầu một số loài ở Bắc Trung Bộ đã cho thấy tiềm năng rất lớn về nguồn tài nguyên tinh dầu thực vật. Có khá nhiều họ thực vật cho tinh dầu như các họ: Cúc (Asteraceae), Hoa tán (Apiaceae), Hoa môi (Lamiaceae), Long não (Lauraceae), Sim (Myrtaceae), Hoa hồng (Rosaceae), Cam (Rutaceae), Thông (Poaceae), Gừng (Zingibereceae)... Nhiều loài cho tinh dầu quý như Re hương (Cinnamomum parthenoxylon), Vù hương (Cinnamomum balansae), Sả (Cymbopogon citratus), Pơ mu (Fokienia hookinsii)…

Một số loài thực vật ở Bắc Trung Bộ đã được phân tích thành phần và hàm lượng tinh dầu như Màng tang (Litsea cubeba), Quế (Cinamomum sp.), Cam chanh (Citrus sp.), Bời lời (Litsea sp.),… các kết quả đều cho thấy hàm lượng tinh dầu có trong các loài thực vật này khá cao và có nhiều thành phần có giá trị. Đây là những kết quả khả quan chứng minh nguồn tài nguyên tinh dầu ở khu vực này hoàn toàn có thể khai thác trên quy mô công nghiệp với nhiều mục đích khác nhau.

Nghiên cứu về tinh dầu trên thế giới

Tinh dầu và nguyên liệu chứa tinh dầu có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Ngành tiêu thụ tinh dầu và nguyên liệu chứa tinh dầu lớn nhất là ngành thực phẩm. Ngành này tinh dầu được dùng làm gia vị và chế rượu mùi. Có thể coi gia vị như công dụng lâu đời nhất của những nguyên liệu chứa tinh dầu. Từ cổ xưa người ta đã biết dùng Quế, Hồi, Hồ tiêu, Nhục đậu khấu, Đinh hương ... Những nguyên liệu này đều có nguồn gốc Viễn Đông, được tiêu thụ hàng năm trên thế giới với số lượng hàng ngàn tấn giá rất cao. Với liều lượng nhỏ, những gia vị có tính chất kích thích sự tiêu hoá, làm tăng sự ăn ngon. Một số gia vị có tính chất sát trùng, diệt khuẩn và người ta cho rằng, việc sử dụng rộng rãi gia vị ở những xứ nóng góp một phần vào vệ sinh thực phẩm trong những xứ đó.

Việc nghiên cứu tinh dầu tập trung chủ yếu vào các họ thực vật cho tinh dầu quan trong và có giá trị đặc biệt trong một số họ như: họ Cam (Rutaceae), họ Sim (Myrtaceae), họ Long Não (Lauraceae), họ Gừng (Zingiberaceae), họ Cúc (Asteraceae), họ Hoa tán (Apiaceae), họ Thông (Pinaceae),... Nhóm cây cho tinh dầu khá phong phú thuộc chi quế và chi bời lời. Hàm lượng và thành phần hóa học của tinh dầu ở mỗi loài thường khác nhau. Một số loài thành phần chủ yếu của tinh dầu là cinnamaldehyd, ở những loài khác thì thành phần lại là các hợp chất như eugenol, camphor hay safrol.

Họ Cam (Rutaceae) là họ có nhiều loài chứa tinh dầu ở trong vỏ quả, trong lá và hoa. Hàm lượng trong vỏ quả thường khá cao 1,5%- 6,5% so với khối lượng tươi của vỏ. Theo các công trình nghiên cứu công bố đã nhận biết được trên 150 chất trong tinh dầu Citrus. Thành phần chủ yếu của tinh dầu citrus là các hợp chất terpen (85%- 95%) như limonen, là hợp chất tham gia một phần nhỏ vào hương vị tinh dầu. Rất nhiều loài thuộc họ cam quýt được trồng để khai thác tinh dầu ở quy mô công nghiệp như loài cam đắng. Chi Hồng bì có rất nhiều loài chứa tinh dầu, đã được nghiên cứu và sử dụng, hàm l­ượng thành phần hoá học của các hợp chất trong tinh dầu, có ở hầu hết các bộ phận (quả, lá, hoa, vỏ cây...) đều cho tinh dầu.

Họ hoa môi (Lamiaceae) phân bố hầu hết khắp nơi, nhưng chủ yếu ở vùng ôn đới và núi cao nhiệt đới thuộc bán cầu bắc. Hầu hết các loài trong chi bạc hà ít, nhiều đều có chứa tinh dầu. Tinh dầu của các loài Bạc hà là hỗn hợp của rất nhiều hợp chất hoá học, trong đó chủ yếu là các monotecpen. Hàm lượng và thành phần các hợp chất trong tinh dầu ở mỗi loại tuỳ thuộc vào vị trí phân loại cũng như các yếu tố môi trường sống của chúng. Tinh dầu của các giống thuộc loài Bạc hà Á (M. arvensis) chứa chủ yếu là mentol (60-90%), menton (0,9-12,5%), ngoài ra còn gồm khoảng 30 hợp chất hoá học khác.

Tình hình sản xuất và buôn bán tinh dầu trên thế giới

Trong những năm 1965 - 1970 khối lượng tinh dầu được sản xuất và chế biến trên toàn thế giới chỉ trong khoảng 25000-35000 tấn/năm, nhưng đến gần đây (1985-1995) chỉ riêng các loại tinh dầu quan trọng được mua bán trên thị trường thế giới đã đạt khoảng 50.000-60.000 tấn/năm và hiện nay lên tới 80.000 tấn/năm, trong đó hàng năm tinh dầu cam chanh (Citrus sinensis) đã được sản xuất và sử dụng với số lượng lớn nhất (26.000-27.000 tấn). Bạc hà á (Mentha arvensis) là loài cung cấp khối lượng tinh dầu đứng thứ 2 trên thế giới (thay đổi từ 4.000-5.000 tấn), tiếp đến là tinh dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà âu, tinh dầu sả java (Cymbopogon winterianus).

Trung Quốc là nước sản xuất tinh dầu lớn nhất, khối lượng được sản xuất hàng năm đạt tới 20.000 tấn. Trong đó nhiều nhất là tinh dầu bạc hà Á (2.000 tấn), tinh dầu sả java (1.500 tấn), tinh dầu bạch đàn (1.500 tấn), tinh dầu màng tang (1.100 tấn), tinh dầu long não, tinh dầu hồi và tinh dầu quế...

Hoa Kỳ và khối thị trường chung Châu Âu không chỉ là thị trường nhập khẩu, mà còn là những trung tâm sản xuất tinh dầu lớn của thế giới. Ở Châu Á, các nước Ấn Độ, Indonexia cũng là những “cường quốc” về tinh dầu. Italia, một nước công nghiệp phát triển tuy diện tích trồng trọt ít, diện tích đồi núi nhiều nhưng diện tích canh tác của cây có tinh dầu cũng thay đổi tư 180.000 ha đến 200.000 ha. Braxin đứng đầu thế giới về sản lượng tinh dầu cam chanh (citrus sinensis). Năm 1990, Braxin đã sản xuất 17.000 tấn tinh dầu cam chanh .

Các nước công nghiệp phát triển đặc biệt là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sỹ, Nhật Bản, Hà Lan... thường nhập tinh dầu thô và tái sản xuất các sản phẩm hương liệu đã qua chế biến. Ở Châu Á, Hàn Quốc, Đài Loan và các khu vực Hồng Kông cũng thường nhập tinh dầu thô để tách chiết và tái xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Đến nay Trung Quốc, Ấn độ... không chỉ xuất khẩu tinh dầu thô mà còn xuất khẩu các sản phẩm hương liệu. Tinh dầu hoa Citrus cũng được khai thác từ lâu và được sử dụng rất rộng rãi trong công nghiệp hương liệu và thực phẩm. Ở Pháp hoa cam từ khắp miền đã được tập trung về các nhà máy vùng Grasse vallauric Le Bar và Sullands, hàng năm sản xuất một lượng khoảng1.000 kg tinh dầu neroli. Bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước (cứ 1.000 kg hoa cho 1 kg tinh dầu neroli).

Ở Tây Ban Nha tinh dầu neroli được sản xuất chủ yếu ở Sevile

Angieri là nước có khí hậu phù hợp cho sự phát triển cây cam đắng, chủ yếu ở các vùng Mitudja Plain, xung quanh Bonifacib. Angieri trở thành nước đứng đầu trong việc sản xuất tinh dầu neroli. Tinh dầu này mùi rất dễ chịu như tinh dầu neroli của Pháp.

Tuynidi, bắt đầu công nghiệp sản xuất tinh dầu neroli bằng việc thu lượm hoa trong các vườn nhỏ hoặc mua ở chợ về chưng cất lấy nước thơm, sau phát triển lên quy mô lớn. Hàng năm thu hoạch khoảng 200.000 kg hoa tương ứng 200 kg tinh dầu.

Các loại tinh dầu được buôn bán phổ biến trên thị trường được chia làm 8 nhóm:

· Hương thơm thuộc giống cam quýt: Bergamot, bưởi, chanh, chanh sần, cam, quýt;

· Hương thơm thuộc hoa cỏ: Cúc la mã, phong lữ, nhài, oải hương, hoa cam, hoa hồng, ngọc lan;

· Hương thơm thuộc dạng thảo dược: Húng quế, melissa, hương thảo, bạc hà, cúc la mã, cây bài hương, Clary sage, cây kinh giới ;

· Hương thơm thuộc dạng Camphoraceous : Nho, khuynh diệp, bạc hà, hương thảo, cây trà;

· Hương thơm thuộc dạng gia vị: Hạt anit, hạt tiêu đen, gừng, nhục đậu khấu, quế, bạch đậu khấu, cây rau mùi, cây thì là;

· Hương thơm thuộc dạng nhựa: Trầm hương, myrth, an tức hương (cánh kiến trắng), dầu trám;

· Hương thơm thuộc dạng gỗ: Quế, cây bách, thông, cây đàn hương, cây tuyết tùng;

· Hương thơm thuộc dạng đất: Hương cỏ lau, hoắc hương, cây nữ lang, cây bạch chỉ.

2.2. Một số tinh dầu có giá trị được bán trên thị trường quốc tế và tác dụng đối với cơ thể

Tinh dầu Bergamot (Cam Hương, Bưởi Chùm) được ép lạnh từ vỏ của quả gần chín. Hương của tinh dầu Bergamot có mùi trái cây ngọt ngào và là một chất khử mùi tuyệt vời, cân bằng tinh thần mang đến sự thư thái, giảm căng thẳng lo lắng đem đến sự tự tin.

Tinh dầu Cassia Bark – Cassia (Vỏ Quế - Quế) được xem như là một loại tinh dầu Quế hạng nhất trong hầu hết các loại tinh dầu quế còn lại của thế giới, có tác dụng làm thoải mái tinh thần, có tác dụng tốt trong việc chữa cảm cúm và bị lạnh hay co thắt vùng ngực.

Tinh dầu Cedar-Atlas (Tuyết tùng, Hoàng Đàn - Atlas) được chiết xuất từ loài cây Tuyết tùng mọc ở dãy núi Atlas của Morocco và Algeria. Tinh dầu Tuyết tùng có mùi hương gỗ êm dịu mang lại cảm giác bình yên, tăng cường sức đề kháng.

Tinh dầu Cedarwood, Red (Hoàng Đàn, Tuyết Tùng) được chiết từ một loại Juniper (Đỗ Tùng) được gọi là Juniperus virginiana, có tên chung là Tuyết Tùng Đỏ Phương Đông. Nó thực sự hữu ích trong lúc căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi.

Tinh dầu Clary Sage (Đơn Sâm, Xô Thơm) có mùi cay, mùi giống cỏ khô, hương thơm vừa ngọt vừa đắng. Hương thơm của Clary Sage (Đơn Sâm) lâu phai và tinh dầu này có giá trị như là một chất định hình cho những mùi hương khác.

Tinh dầu Clove Bud (Nụ Đinh Hương) – Tinh dầu Clove (Đinh Hương) tốt nhất được chưng cất từ những nụ Đinh Hương khô. Tinh dầu nụ Đinh Hương có một mùi hương mạnh mẽ, hương trái cây, nó có tác dụng làm ấm cơ thể, đem lại cảm giác thoải mái, giúp ổn định tinh thần.

Tinh dầu Cypress (Bách Xù) có hương thơm dễ chịu, cay và thường được sử dụng như một chất bổ trợ trong hương liệu có mùi Thông. Nó có tác dụng thanh lọc không khí, giúp cân bằng tinh thần.

Tinh dầu Eucalyptus (Bạch Đàn, Khuynh Diệp) từ lâu đã được sử dụng như dầu xoa bóp và giảm đau, trong đó Cineole là thành phần chính. Tác dụng của nó là thanh lọc không khí, tăng cường sinh lực.

Tinh dầu Frankincense (Trầm Hương) – được chiết xuất từ các loại cây Trầm hương phát triển hoang dã ở khắp Tây Ấn Độ, Đông Bắc và Nam Ả Rập Saudi. Tinh dầu Trầm hương được chưng cất từ chất nhựa chảy từ các vết cắt trên vỏ cây. Tinh dầu này cay, thơm, màu xanh giống màu xanh của chanh. Nó cũng là nền tảng cho loại nước hoa hương Trầm và rất quan trọng để tạo ra mùi hương đậm mùi hoa cỏ.

Tinh dầu Geranium, Bourbon (Phong lữ Bourbon) là một trong các loại dầu nước hoa quan trọng nhất và là một thành phần quan trọng trong tất cả các loại hương. Nó có hương thơm mạnh mẽ, hương trái cây, hương bạc hà nhẹ, được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da để tạo cả hương thơm và mùi thơm giúp giảm căng thẳng, suy nhược; thư thái tinh thần, cân bằng độ ẩm cho da.

Tinh dầu Grapefruit (Bưởi Tây) được ép lạnh từ vỏ Bưởi, có mùi thơm nhẹ, vừa ngọt vừa đắng của họ Citrus (Cam, Quýt). Nó được sử dụng trong nước hoa có mùi thơm họ Citrus (Cam, Quýt) và nước hoa colognes, xà phòng, kem dưỡng da và dưỡng thể.

Tinh dầu Lemon (Chanh Tây) có mùi hương làm liên tưởng đến hương thơm của vỏ chanh chín. Tinh dầu Chanh dùng để tắm hoặc massage nên được pha loãng vì nó có thể gây kích ứng da. Tinh dầu chanh có tác dụng làm minh mẫn, giảm stress.

Tinh dầu Lemongrass (Sả) được chưng cất từ loại Sả ở vùng nhiệt đới của châu Á. Nó thơm vị chanh, cỏ, được sử dụng để xua đuổi côn trùng, trong nước xịt phòng, xà phòng và chất tẩy rửa. Ngoài ra loại tinh dầu này còn có khả năng tăng sức đề kháng; khử mùi, làm sạch không khí.

Tinh dầu Orange, Sweet (Cam Ngọt) được ép từ vỏ cam ngọt, chín. Nó có mùi trái cây, hương thơm ngọt và tươi, được sử dụng để tạo mùi hương trái cây và nước hoa. Tinh dầu này có hương thơm giúp dịu ngọt giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, đem đến cảm giác dễ chịu.

Tinh dầu Palmarosa (Sả Hồng) được chưng cất từ ​​một loại cỏ, có một mùi hương tương tự như hoa hồng. Nó được sử dụng rộng rãi trong nước hoa và xà phòng để làm tăng thêm hay làm nổi bật hương hoa hồng. Trong sản phẩm chăm sóc da như sữa tắm hoặc dầu massage thì Palmarosa có tác dụng làm sạch và làm se lỗ chân lông.

Tinh dầu Patchouli (Hoắc Hương) được sử dụng trong vô số loại nước hoa và hương liệu, được biết đến bởi hương thơm lâu phai và khả năng định hình. Hương thơm của loại tinh dầu này rất mạnh, là một trong vài loại tinh dầu để càng lâu càng thơm, đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

Tinh dầu Rosemary (Hương Thảo) được biết đến như các loại thảo dược, chúng được sử dụng trong các dung dịch khử mùi phòng, nước xịt, thuốc khử trùng và xà phòng.

Tinh dầu Tea Tree (Tràm Trà) – có hương ấm, cay, có vị thuốc và dễ bay hơi. Nó đôi khi được sử dụng để tạo mùi thơm cho nước hoa cay và thuốc bôi da sau khi cạo râu.

Tinh dầu Ngọc Lan (Hoàng Lan, Ngọc Lan Tây) được chưng cất lúc sáng sớm, từ những bông hoa tươi vừa hái của cây Hoàng Lan. Tinh dầu được trích xuất tại điểm đầu tiên có chất lượng cao nhất và được xếp loại “thượng hạng”.

Nghiên cứu về tinh dầu trong nước

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong mười trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Việt Nam có hệ thực vật đa dạng trong đó nhóm các cây có tinh dầu cũng rất phong phú, mang những nét đặt trưng riêng cho vùng khí hậu cận nhiệt đới. Với điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi, nhiều loài thực vật chứa tinh dầu ở nước ta có khả năng khai thác, tạo ra những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, do vậy, hiện nay nguồn tiềm năng này đang được quan tâm đánh giá để được sử dụng khai thác có hiệu quả.

Nguyễn Xuân Dũng và Trần Đình Thắng (2005) đã nghiên cứu một số loài trong chi Cinnamomum khá đầy đủ . Đặc biệt là nghiên cứu cây Long não (C. camphora), tác giả đã đánh giá về hàm lượng cũng như sự tích lũy tinh dầu ở các bộ phận khác nhau từ cây non đến cây trưởng thành . Các loài Vù hương (C. porrectum), Re hoa nhỏ (C. micranthum) thì thành phần chủ yếu trong tinh dầu là safrol (70-90%).

Ở nước ta, khi phân tích các mẫu tinh dầu Quế hàm lượng (E)-cinnamaldehyd từ 80-95%, có các hợp chất cinnamyl acetat, cinnamyl alcohol, coumarin, benzyl benzoat.

Chi màng tang (Litsea) là một chi lớn của họ Long não. Thành phần chính của tinh dầu quả là neral và geranial, trong khi đó thành phần chính của tinh dầu lá là linalool, 1,8-cineol, sabinen, a-terpineol, đây là những hợp chất quyết định giá trị tinh dầu và được sử dụng nhiều trong công nghệ dược và hóa mỹ phẩm.

Họ cam quýt(Cam. Quýt, bưởi, chanh,....) đều chứa tinh dầu trong lá, hoa và trong vỏ quả, nguyên liệu quan trọng trong công nghệ chế biến thực phẩm (bánh kẹo, nư­ớc giải khát...), mỹ phẩm. Chi Euodia cũng là chi có nhiều loài cho tinh dầu như cây ba Chạc (chè cỏ), Thôi chanh (Xoan dầu dấu), Dầu dấu lá mập, Dầu dấu lá hẹp. Các nghiên cứu tinh dầu của các loài này đều cho thấy thành phần chính là -ocimen chiếm từ 39 – 46 %, đây là thành phần được sử dụng nhiều trong sản xuất nước hoa.

Họ Hoa môi (Lamiaceae) thì Kinh giới rừng (Kinh giới núi) hàm lượng tinh dầu 0,4-0,6%, có mùi thơm như khuynh diệp hoặc tràm; thành phần chủ yếu là cineol. Còn tinh dầu bạc hà là nguồn nguyên liệu chính để tách menthol, là nguyên liệu quan trọng trong ngành dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Vùng nguyên liệu Bạc hà ở trên núi cao, và vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, chất lượng tinh dầu có hàm lượng menthol cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, được đánh gía rất cao trên thị trường quốc tế.

. Tinh dầu Gừng (Zingiber offcinale) ở Việt Nam gồm 61 hợp chất.Tinh dầu gừng giúp điều hòa thân nhiệt cơ thể như hạ sốt, chống lạnh và đổ mồ hôi trộm. Tinh dầu gừng làm dịu tinh thần, chống suy nhược, hồi phục năng lượng và tạo cảm giác sảng khoái cho cơ thể nhờ mùi thơm gắt pha lẫn ngọt ngào.

Tràm phân bố chủ yếu ở các vùng khô hạn từ miền Bắc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đến Long An, Đồng Tháp, đây là loại nguyên liệu để cất tinh dầu là chủ yếu.Tinh dầu của Bạch đàn có mùi dễ chịu và có tính kháng khuẩn mạnh nên được sử dụng nhiều trong công nghệ hóa mỹ phẩm, sản xuất xà phòng và các chất tẩy rửa, sát trùng. Tinh dầu Bạch đàn chanh có hàng lượng Citronella khá cao nên là nguồn nhiên liệu tự nhiên có giá trị trong công nghệ chuyển hóa và sản xuất các sản phẩm hydroxycitronellal, citrolellylnitrile và methon

Sản xuất và tiêu thụ tinh dầu ở Việt Nam

Cho tới nay chúng ta mới khai thác tự nhiên hoặc đưa vào gây trồng khoảng 20 loài để lấy tinh dầu. Chạy theo đòi hỏi của thị trường và lợi nhuận, một số loài như trầm hương, xá xị, hoàng đàn, pơmu... đã bị khai thác kiệt, chỉ trong khoảng 10 năm (1980-1990) theo ước tính bước đầu đã có khoảng trên 320 tấn trầm (khoảng trên 20 tấn trầm từ loại 1 đến loại 4 và khoảng trên 300 tấn trầm từ loại 5 đến loại 9) được khai thác và xuất khẩu theo con đường khác nhau. Những năm qua, các doanh nghiệp nước ta đã thu mua, chế biến và xuất khẩu hàng ngàn tấn tinh dầu.

Việc phát triển trồng rừng, vườn rừng, vườn đồi đối với cây tinh dầu thân gỗ đã đem lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi sinh. Các quần thể quế (Cinnamomum cassia) ở Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam… đã mở ra nhiều triển vọng, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, cải tạo và phục hồi hệ sinh thái ở các địa phương miền núi. Loài đại hồi (Illicium verum) chỉ phân bố trong phạm vi hẹp, là đặc sản của một số huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và một vài địa phương của Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) ở vùng gần biên giớ nước ta. Trước đây, hàng năm đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã sản xuất tới 5000- 6000 tấn hồi khô và đã có một nhà máy chưng cất tinh dầu khá hiện đại với công suất khoảng 200- 300 tấn tinh dầu/ năm. Nhưng sau chiến tranh biên giới phía bắc nhà máy đã bị tàn phá, đồng thời diện tích hồi bị thu hẹp lại nhanh chóng. Việc khôi phục lại rừng hồi và công nghệ chưng cất, chế biến tinh dầu hồi là vấn đề cần được đặt ra một cách khẩn trương, mặc dù còn nhiều khó khăn.

Bảo vệ và trồng mới các diện tích rừng tràm (Melaleuca cajuputi) trên vùng đất cát và đầm lầy ven biển các tỉnh miền trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…) đặc biệt là khu vực Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp) và U Minh (Cà Mau) chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích to lớn về nhiều mặt trong đó có tinh dầu, nguồn nguyên liệu có giá trị.

Từ lâu, nhiều loại tinh dầu Việt Nam đã nổi tiếng thế giới về chất lượng tuyệt hảo và giá trị quý hiếm mà không đất nước nào có thể so sánh được như tinh dầu Quế, tinh dầu Hoa Hồi, tinh dầu Trầm Hương, tinh dầu Pơmu, tinh dầu Tràm, tinh dầu Bạc Hà, dầu Dừa...Các sản phẩm của chúng đã xuất khẩu đi Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn độ, Nhật Bản...

Nhằm khai thác nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu, trong những năm qua nhiều công ty đã đầu tư xây dựng những vùng nguyên liệu dồi dào để sản xuất tinh dầu phục vụ cho xuất khẩu như Tinh dầu Trầm Hương-Hà Tĩnh, Tinh dầu Quế-Yên Bái, Quảng Nam, tinh dầu Hương Nhu-Thái Bình, Tinh dầu Sả-Vĩnh Phúc, tinh dầu Bạc Hà-Hưng Yên, Tinh dầu Hồi-Lạng Sơn, Tinh dầu Tràm-Huế và dầu Dừa-Bến Tre. Sản phẩm tinh dầu đã được xuất khẩu ra khắp thế giới như Trung Quốc, Ân độ, Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mặc dù được xem là nước có nguồn thực vật chứa tinh dầu đa dạng và phong phú với rất nhiều loài cho tinh dầu có giá trị thương phẩm cao nhưng do có thể do hạn chế về công tác điều tra nghiên cứu, quy hoạch, khai thác và công nghệ nên số sản phẩm tinh dầu có thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm 20-24% trên trị trường và giá trị cũng thấp hơn từ 10-30% so với cùng loại. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam có thể khai thác được thêm nhiều loại tinh dầu như tinh dầu màng tang, tinh dầu quế, tinh dầu sả, tinh dầu hương bài, tinh dầu re, tinh dầu đại hồi, ... nếu được quy hoach và phát triển vùng nguyên liệu tại những địa phương có tiềm năng về tài nguyên thực vật mà trong đó khu vực Bắc Trung Bộ giàu tiềm năng này nhưng chưa được chú ý và sản xuất.

GSTS.Trần Đình Thắng
Trường Đại học Vinh
Đỗ Ngọc Đài
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An