HẠNH ĐỖ

Hỗ trợ bệnh nhân ung thư và bỏ tiền túi làm nghiên cứu độc lập

Tiến sĩ Hà Phương Thư được nhiều người biết đến với công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano vào các sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Năm nay, chị mở rộng nghiên cứu của mình sang chữa trị, giảm dư lượng kháng sinh trong tôm, cá và thay thế thuốc trừ sâu, diệt cỏ cho cây trồng.

Tiến sĩ Hà Phương Thư được nhiều người biết đến với công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano vào các sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Năm nay, chị mở rộng nghiên cứu của mình sang chữa trị, giảm dư lượng kháng sinh trong tôm, cá và thay thế thuốc trừ sâu, diệt cỏ cho cây trồng.


Hà Phương Thư là một trong không nhiều phụ nữ làm nghiên cứu khoa học lọt vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.

“Không có thuốc của chị thì em chết rồi”

Trẻ hơn so với tuổi ngoài 40, giọng Huế nhẹ mềm, đã thế còn thích mặc váy đỏ, Thư thoạt tiên cho người ta cảm giác chị không liên quan với những nhà nghiên cứu ngày ngày khoác blouse trắng soi kính lúp trong phòng thí nghiệm.

Nhưng trong hồ sơ khoa học của chị, có tới hơn 30 công bố về lĩnh vực nano y sinh trên các tạp chí quốc tế, số lượng được trích dẫn của mỗi nghiên cứu thường là vài chục lần. Mở ngoặc đơn: đối với những nghiên cứu có chuyên môn hẹp, mấy chục trích dẫn được tính là nhiều, nó chứng tỏ các nghiên cứu này có ảnh hưởng đến hướng nghiên cứu của những nhà khoa học cùng lĩnh vực.

                                                              Fucoidan tinh bột nghệ tam thất

Một trong những nghiên cứu khoa học nổi bật của Hà Phương Thư đã được ứng dụng hiệu quả là chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC, công bố vào cuối năm 2016 với ưu điểm sử dụng toàn bộ nguyên liệu từ cây cỏ Việt Nam. Chị Thư cho biết: phức hệ Nano FGC cải thiện được độ tan của Curcumin lên gấp hàng nghìn lần, tối ưu hóa khả năng bao gói, bảo vệ bộ ba hoạt chất (Fucoidan, Curcumin, Noto Ginseng) khiến các hạt nano FGC có thể chui vào, tập trung vào các khối u, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư mà không làm hại các tế bào lành.

Công trình nghiên cứu này, ngay sau đó được một doanh nghiệp đề nghị hợp tác và chính thức được bán dưới dạng thực phẩm chức năng CumarGold Kare. Điều đặc biệt, nhiều bệnh nhân ung thư, trong đó đa phần là người nghèo, tuổi còn trẻ biết Hà Phương Thư và chủ động liên lạc xin chị thuốc. Mỗi năm trung bình, chị Thư lấy danh nghĩa cá nhân tài trợ thuốc cho hơn 10 người. Có bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn ba như Vũ Hương (Quảng Ninh), sau khi điều trị bằng tây y và dùng thuốc của chị Thư một thời gian nay mới sinh con. Có người như Thanh Nguyễn (Đà Nẵng), bị ung thư vòm họng đã di căn, không cử động được quai hàm, sau khi dùng thuốc cũng đã nói chuyện, tự đi lại được. Trong tin nhắn của Thanh gửi chị Thư vào chiều cuối năm có đoạn: “Chị ơi, em uống thuốc thấy sức khỏe vẫn ổn ạ! Vừa rồi em lên bệnh viện chụp MRI não và xương tuy di căn nhưng không phát triển. Bạn em chở em đi chơi chụp hình nữa, em khoe facebook đó. Cảm ơn chị! Giờ em sống được là nhờ thuốc của chị. Không có thuốc của chị thì em chết rồi”!

Về nước với 45kg tài liệu

Chị Thư thuộc tuyp người có thể quên mọi thứ để nghiên cứu. Sau một năm ở Nhật, hành lý về nước của chị là 45kg toàn tài liệu. Đến cửa hải quan bị khó dễ mãi vì người ta nghĩ chị mang văn hóa phẩm ngoại quốc về truyền bá.

Kể lại câu chuyện này, chị Thư cho biết: Thời điểm những năm 2000, internet chưa có các gói đóng phí load tài liệu như bây giờ, tài liệu tham khảo trong nước thì hạn chế. Cần xem công trình hiếm, tôi phải đến Thư viện quốc gia, photo một trang bảy ngàn, trong khi bữa ăn bình dân khi đó vẫn là ba bốn ngàn. Mà mỗi công trình như vậy ít nhất cũng dài 10 trang A4, và một công trình thường sẽ dẫn theo hàng chục công trình liên quan. Khi qua Nhật, tài liệu nhiều đến nỗi mình “mê đi”, chỉ cần đưa thẻ thư viện là người ta photo miễn phí cho, mới phát sinh hành lý toàn tài liệu là thế!

Cái sự hết mình vì khoa học của chị Thư còn khiến đồng nghiệp khâm phục ở chỗ, chị không bao giờ bó tay, kể cả trước vấn đề tiền bạc. Muốn nghiên cứu cái gì, chị đều bắt tay ngay, chưa xin được tiền của Viện, chị tự bỏ tiền túi ra làm. Trang thiết bị chưa có hoặc quá đắt nếu phải nhập ngoại, chị cùng cộng sự tự mày mò, lên ý tưởng và thuê kỹ sư bậc cao thi công, cho đến khi có thể áp dụng nghiên cứu.

Cho đến nay, hầu hết các dự án nghiên cứu của chị Thư đều đi theo con đường: lấy kinh phí trích ra từ những dự án đã thành công để tái đầu tư cho những dự án mới, sau khi những dự án này bắt đầu có kết quả, chị mới xin được hỗ trợ kinh phí.

Bỏ tiền nghiên cứu máy thu sương cho đồng bào vùng cao

Trong những chuyến điền dã về Hà Giang, Lào Cai, chứng kiến bà con ở đây thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, phải đi hàng cây số đường núi để gánh nước về dùng, chị Thư đã nghĩ cách chế tạo một thiết bị biến sương thành nước sinh hoạt.

                                                                            Máy thu sương

Khi bắt tay vào làm chị đề nghị các tỉnh này hỗ trợ nhưng bị từ chối với lý do đó không thuộc chuyên môn của chị. Đề nghị đột xuất với Sở Khoa học công nghệ các tỉnh thì được yêu cầu phải có kiểm định chất lượng, có công bố quốc tế. Thế là chị Thư tự bỏ 60 triệu đồng tiền túi làm nghiên cứu.

Sau mấy tháng, máy thu sương dạng khí động học (tự quay, không cần điện hay ắc quy) đã hoàn thành, có thể tạo ra trung bình 30l nước mỗi đêm trong điều kiện sương dày. Đặc biệt, loại nước này có thể dùng để uống trực tiếp vì đã được xử lý bằng hạt nano bạc có tác dụng khử khuẩn, chống rêu, mốc.

Chị cũng vừa hoàn thành công trình nghiên cứu nano hóa các loại kháng sinh cho tôm, cá. Trong nhiều năm qua, tôm, cá Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài hay bị trả lại vì dư lượng kháng sinh quá lớn. Không sử dụng kháng sinh thì tôm chết vì môi trường của mình không đảm bảo, khí hậu nhiệt đới khiến vi khuẩn vi rút nhiều, tôm cá dễ bị nhiễm khuẩn. Ưu điểm của kháng sinh Nano, theo chị Thư là nó điều trị trúng đích, và với lượng dùng rất ít, chỉ bằng 1/100 so với người dân thường làm nhưng hiệu quả hơn, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu.

Tương tự với cây trồng, xuất phát từ hiện tượng biến đổi khí hậu gần đây, chị Thư cho biết: trung bình cây chỉ hấp thu được 35% lượng phân bón bà con đổ vào gốc, 65% còn lại bị rửa trôi, gây ra ô nhiễm đất, nước. Chúng tôi đã nghiên cứu ra dưỡng chất nano, cho vào cây chỉ bằng 1/50 so với phân bón, nhả chậm, và quan trọng là không có tác dụng phụ với nước, đất. Ngoài ra, chúng tôi có chế phẩm Nano chữa bệnh cho cây, có thể diệt khuẩn, diệt nấm, chỉ cần hòa nước phun, hoàn toàn không độc, thay thế được thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và giá rẻ.

HẠNH ĐỖ

 

Hà Phương Thư tốt nghiệp đại học sư phạm Huế năm 1996. Sau đó, ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học. Được học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ của viện Công nghệ Tokyo Nhật Bản.

2003, bảo vệ luận án tiến sĩ và nhận học bổng sau tiến sĩ tại trung tâm Năng lượng nguyên tử của Pháp. 2007, công tác tại viện Khoa học vật liệu, được bổ nhiệm trưởng phòng Vật liệu nano Y sinh năm 2015.

Năm 2012 nhận giải thưởng L’Oreal UNESCO “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học”.

2016: Forbes bình chọn 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam

2017: 1 trong 10 cá nhân được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải “Phụ nữ Việt Nam 2017”

Đến nay tiến sĩ Hà Phương Thư đã có hơn 30 công bố về lĩnh vực nano y sinh trên các tạp chí quốc tế.

ảnh 1,2,3: Tiến sĩ Hà Phương Thư

6: Máy thu sương nếu được áp dụng rộng rãi có thể giúp bà con vùng cao không còn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.