Theo VTV

Kinh doanh mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt đến 140 triệu đồng

Những người kinh doanh tiếp tay cho mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100-140 triệu đồng.
Mỹ phẩm giả được sản xuất trong xô, chậu
Mỹ phẩm giả được sản xuất trong xô, chậu.

Thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện và bắt giữ nhiều trường hợp sản xuất, buôn bán mĩ phẩm giả. Gần đây nhất, vào tối 16/6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Thanh Oai ập vào kho hàng nghi có dấu hiệu sản xuất mỹ phẩm giả mang thương hiệu nước ngoài có địa chỉ tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội.

Thời điểm cơ quan chức năng ập vào, nhiều công nhân vẫn đang tiến hành sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu nước ngoài. Trên tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Anh, Pháp… nhưng thực chất là hàng giả.

Cụ thể, có 14.900 chai sữa tắm COCO CHANEL, 2.300 kg dầu gội đầu không nhãn mác, 3.500 chai và vỏ hộp giấy nhãn hiệu COCO CHANEL. Ông Nguyễn Hữu Duy - chủ cơ sở sản xuất không xuất trình được bất cứ chứng từ, hóa đơn liên quan đến các nguyên liệu sản xuất và hàng hóa trên. Các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công tại cơ sở bằng rất nhiều loại hóa chất trôi nổi khác nhau và được đựng trong các xô, chậu.

Sản phẩm được dán nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội
Sản phẩm được dán nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội.


Đội Quản lý thị trường số 11 đã tạm giữ toàn bộ các phương tiện, máy móc và các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ước tính ban đầu giá trị hàng hóa tại cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.

Cùng với những nơi sản xuất hàng giả, nhiều người vì tiền bạc mà bất chấp chạy theo lợi nhuận, sản xuất, nhập lậu, tiêu thụ và tiếp tay cho hàng giả,hàng không có nguồn gốc, coi thường sức khỏe của người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua online, qua livestream, facebook, các đối tượng càng dễ dàng lừa đảo.


Kinh doanh mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt đến 140 triệu đồng - Ảnh 1.

Một trong nhiều lô mỹ phẩm giả vừa bị Đội Quản lý thị trường số 11 Hà Nội thu giữ

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng nếu hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng theo luật, nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, người bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100 - 140 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 - 03 tháng và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Trong đó, mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì là hàng hóa có nhãn hoặc bao bì giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…