Theo SKĐS

Cả hai vợ chồng cùng đi chống dịch, con gửi nhờ hàng xóm chăm nom

Cả hai vợ chồng điều dưỡng Trần Thị Bích Thủy tham gia chống dịch, hai người con ở nhà được gửi hàng xóm chăm sóc. Hàng ngày, ba mẹ con chỉ gặp nhau qua màn hình chiếc điện thoại....

Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở Quảng Bình, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã tình nguyện xung phong tham gia chống dịch. Trong đó, nhiều nhân viên y tế có hoàn cảnh gia đình neo người, éo le, nhưng điều đó không ngăn cản được tinh thần vì một ngày mai chiến thắng dịch bệnh, quyết tâm đưa cuộc sống trở lại bình yên.

Ngay từ những ngày đầu Quảng Bình xuất hiện dịch lây lan trong cộng đồng, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã được kích hoạt là nơi điều trị bệnh nhân nặng thuộc tầng 3 trong tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nữ hộ sinh tại bệnh viện đã xung phong tình nguyện tham gia điều trị tại khu vực bệnh nhân COVID-19 nặng, tham gia lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Tất cả trên dưới một lòng, tạm biệt gia đình, người thân, xung phong ra nơi tuyến đầu, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Cả hai vợ chồng cùng đi chống dịch, con gửi nhờ hàng xóm chăm nom - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng

Xung phong vào tuyến đầu chống dịch

Đã hơn 2 tuần trôi qua, đội lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cộng đồng miệt mài làm việc không quản ngày đêm, không ngại khó khăn gian khổ để nhanh chóng xét nghiệm, phát hiện bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng tại các khu vực trọng điểm của dịch bệnh trong tỉnh.

Chị Trần Thị Bích Thủy, điều dưỡng Khoa Mắt trú tại P. Đồng Phú, TP Đồng Hới có chồng là Công an Thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) đã 2 tháng nay chồng trực chiến chống dịch không về nhà. Khi bệnh viện kêu gọi nhân viên y tế tham gia chống dịch, chị đã không một chút do dự xung phong tham gia đội lấy bệnh phẩm xét nghiệm cộng đồng.

Nhà có hai con nhỏ, chị đã nhờ gia đình hàng xóm chăm sóc cơm nước hàng ngày. Ba mẹ con hàng ngày chỉ gặp nhau qua điện thoại trong những giây phút nghỉ ngơi tại khu ở tập trung của đội lấy mẫu.

"Nhớ và thương 2 con lắm, nhưng em phải kìm nén lại để hoàn thành tốt công việc của mình, hy vọng dịch sẽ qua mau để mẹ con được gặp nhau" chị Thủy tâm sự.

Cả hai vợ chồng cùng đi chống dịch, con gửi nhờ hàng xóm chăm nom - Ảnh 3.

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

BS Nguyễn Hữu Luân, Khoa Gây mê Hồi sức- Phó Đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cũng là một trong những bác sĩ đầu tiên xung phong tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Gia đình BS Luân đang ở khu tập thể của bệnh viện, vợ đang mang bầu và nuôi con gái nhỏ 5 tuổi.

Hiện tại, khu điều trị bệnh nhân nặng hàng ngày phải tiếp nhận bệnh nhân mới và đã có một số bệnh nhân chuyển nặng phải thở máy xâm nhập.

Bác sĩ ở đây hàng ngày làm việc với cường độ cao và có nhiều nguy cơ lây nhiễm khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Vì vậy, tất cả các bác sĩ ai cũng tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

"Thương vợ con lắm anh à, nếu em ở nhà thì phụ giúp vợ rất nhiều việc. Nhưng vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên em đã động viên vợ ở nhà hãy cố gắng tự chăm sóc cho mình và chăm sóc con để em yên tâm điều trị cho bệnh nhân nặng. Em hy vọng dịch bệnh sẽ kết thúc trước khi vợ sinh nở" bác sĩ Luân chia sẻ.

Mong dịch chóng qua để được về ... ôm con vào lòng

Khi dịch bệnh xảy ra, có rất nhiều chiến sĩ áo trắng trên cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, kể cả những nỗi đau mất người thân để hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh cứu người.

Chị Lê Thị Hồng Thắm, điều dưỡng Khoa Tim mạch đang nuôi con nhỏ 2 tuổi, hàng ngày đi làm với quãng đường 40km từ xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch) đến bệnh viện. Chồng đi xuất khẩu lao động đã 3 năm nay, hai mẹ con chị sống cùng bố mẹ chồng, bố đẻ vừa mất do căn bệnh ung thư. Kìm nén nỗi đau của bản thân, sau khi hương khói cho bố và gửi con nhỏ cho ông bà nội, chị đã xung phong tình nguyện tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng.

Dẫu biết, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng là rất vất vả có nhiều nguy cơ lây nhiễm cho bản thân, nhưng chị đã không một chút nao núng khi đưa ra quyết định này.

Chị Thắm cho biết: "Hàng ngày, em cùng các bạn chăm sóc cho bệnh nhân từ việc đút cháo, thay bỉm, vỗ lưng, lau người cho bệnh nhân và không ngừng động viên để họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua bệnh tật.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế luôn phải theo dõi chặt chẽ người bệnh, khi có diễn biến bất thường là báo cáo ngay với bác sĩ và thực hiện ngay y lệnh cho bệnh nhân".

Chị Thắm chia sẻ thêm, trong ca trực mỗi người đều phải mang bộ bảo hộ chống dịch rất nóng và đổ nhiều mô hôi, nhiều lúc rất khát nước nhưng không dám uống bởi vì khi uống nước phải thay đồ bảo hộ và như thế rất lãng phí.

"Hết ca làm việc là em gọi điện về cho ông bà nội để được nghe tiếng bi bô của con, nhiều lúc em đã khóc khi nghe tiếng gọi mẹ mẹ của con. Em mong dịch sẽ qua nhanh để em được về ôm con vào lòng". Chị Thắm tâm sự.

Kiên cường và mạnh mẽ là hình ảnh của những nhân viên y tế Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cuba Đồng Hới tham gia chống dịch. Những khó khăn, thử thách chỉ là tạm thời, khi mỗi nhân viên y tế cùng nhau hợp sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Và họ mong chờ một ngày mai được trở về với tổ ấm gia đình...