Theo SKĐS

Người từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội thời điểm này cần lưu ý điều gì?

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Sở Y tế chủ trì phối hợp xây dựng, trình và tổ chức diễn tập phương án đáp ứng thu dung, điều trị người mắc COVID-19 tại tuyến y tế cơ sở với tình huống có 100.000 người.

Chiều 16/11/2021, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Kiểm soát chặt hơn người từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội

Công điện cũng nêu rõ, đối với người tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có Quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho phép loạt trường học, Trung tâm văn hóa… làm nơi điều trị COVID-19 - Ảnh 3.

Hà Nội sẽ kiểm soát chặt hơn người từ các tỉnh, thành phố khác về.

Đối với những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam): cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có Quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).

Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 về Hà Nội đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.

Những người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7.

Cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 tại cơ sở

Công điện cũng nêu rõ, từ ngày 17/11, TP. Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội. Trong đó, chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.

Thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ" do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

Thí điểm thực hiện tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Thạch Bàn, (quận Long Biên) với quy mô 150 giường, Trường THCS Tiền Yên (huyện Hoài Đức) - quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú (huyện Sóc Sơn) - quy mô 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường; Trường Mầm non Lê Thanh A (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) - quy mô 200 giường.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho phép loạt trường học, Trung tâm văn hóa… làm nơi điều trị COVID-19 - Ảnh 2.

Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở.

Mở rộng cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm. Đồng thời, rà soát và mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở đã thực hiện thu dung của thành phố, bệnh viện tuyến huyện. Huy động các bệnh viện, cơ sở y tế của bộ, ngành trung ương, các trường đại học, cao đẳng y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để tham gia công tác thu dung điều trị người bệnh (F0). Rà soát các cơ sở thu dung điều trị, huy động nhân lực y tế (bác sĩ, sinh viên, học sinh, y, bác sĩ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu.

Điều chỉnh phương án cách ly các đối tượng tiếp xúc gần (F1). Cụ thể, điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày. Tiếp tục duy trì các khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã đã được thành lập hoặc đã rà soát chưa kích hoạt; rà soát và mở rộng các khu cách ly (tính các cơ sở giáo dục, trường học, khu ký túc xá học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học), đảm bảo trang thiết bị, hậu cần cho các khu cách ly để sẵn sàng tiếp nhận công dân đến cách ly.

Thành phố cũng thí điểm thực hiện cách ly tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho người tiếp xúc gần (F1) đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Đáp ứng với tình huống có 100.000 người bệnh

UBND TP. Hà Nội giao Sở Y tế bảo đảm xử lý nhanh, kịp thời kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống trên địa bàn; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm vaccine, ưu tiên tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, lực lượng shipper, vận chuyển, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị, phụ nữ có thai...

Sở Y tế tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, kể cả y tế quận, huyện, thị xã, bố trí trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, ô xy để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống. Ban hành văn bản hướng dẫn việc thí điểm cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1); tổ chức tập huấn quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; định kỳ giám sát việc thực hiện tại cơ sở.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho phép loạt trường học, Trung tâm văn hóa… làm nơi điều trị COVID-19 - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng, trình UBND thành phố ban hành và tổ chức diễn tập Phương án đáp ứng thu dung khám, điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 tại tuyến y tế cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ" có khả năng đáp ứng với tình huống có 100.000 người bệnh.

Chủ động phối hợp các bệnh viện, cơ sở y tế bộ, ngành trung ương, các trường đại học, cao đẳng y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để huy động, điều phối nhân lực, hỗ trợ (bác sĩ, sinh viên, học sinh, y, bác sĩ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế và UBND huyện Ba Vì đánh giá việc tổ chức dạy học trực tiếp thời gian vừa qua, khẩn trương phối hợp các quận, huyện, thị xã rà soát xây dựng phương án cụ thể để tổ chức mở rộng việc dạy học trực tiếp tại các quận, huyện, thị xã trong thời gian tới.