Thu Thủy – Minh Đức

Hướng đến giá trị xanh cho ngành mỹ phẩm Việt năm 2022

Năm 2021 là một năm vô cùng sóng gió đối với ngành mỹ phẩm toàn cầu. Đại dịch COVID – 19 đã khiến cho nhu cầu mua sắm, làm đẹp của con người chững lại trong thời gian dài. Tuy nhiên ngành mỹ phẩm Việt Nam cũng đã tìm ra được hướng đi riêng với những xu hướng mới, phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Theo báo cáo InSight handbook 2021 của Kantar Worldpanel, do đại dịch COVID – 19 kéo dài, sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử đã và đang tác động, chi phối đến sự mua sắm của người Việt. Trong đó sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 63% so với năm 2018, đồ chăm sóc da tăng 55% và đồ makeup tăng 25%.

Sự tăng trưởng của ngành Mỹ Phẩm Việt Nam chứng minh nhu cầu trang điểm và chăm sóc da dần trở thành một lối sống quen thuộc, đặc biệt là phụ nữ. Khi làm đẹp cũng là một cách chăm sóc sức khỏe bên cạnh việc ăn uống sạch và thường xuyên tập thể dục để giữ gìn thanh xuân, thì những xu hướng làm đẹp một cách tự nhiên, an toàn, bảo vệ được môi trường lại lên ngôi.

Sử dụng mỹ phẩm tái chế từ rau, củ, quả

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, hàng năm thế giới tiêu tốn 2,9 nghìn tỷ bảng Anh cho chất thải thực phẩm. Người ta ước tính rằng, ở Liên minh Châu Âu, có tới một phần ba tổng sản lượng nông nghiệp bị mất đi khi sản phẩm được phát hiện là "không hoàn hảo". Nhận thấy điều này, một sinh viên khoa thiết kế người Tây Ban Nha Júlia Roca Vera đã phát triển phương pháp biến những loại trái cây và rau không hoàn hảo thành mỹ phẩm.

Júlia Roca Vera đã tạo ra một dòng mỹ phẩm được đặt tên là Lleig, Lleig bao gồm bốn sản phẩm, từ kem dưỡng ẩm đến nước uống detox và xà phòng, tất cả đều được sản xuất bằng các loại trái cây đã bị nhà sản xuất loại bỏ vì không đạt đủ các quy định về chất lượng thẩm mỹ theo tiêu chí của các siêu thị.

Việc tận dụng được nguồn rau, củ, quả tươi (chỉ xấu xí về mặt hình thức) để sản xuất mỹ phẩm đã được thị trường mỹ phẩm một vài năm trở lại đây ghi nhận với những trường hợp thành công cho các dòng sản phẩm đại trà, và được người tiêu dùng tin yêu, đón nhận.

Tại Việt Nam, những sản phẩm như sữa rửa mặt tái tạo năng lượng cho da từ thương hiệu Circumference, hay sáp tẩy trang từ thành phần táo của thương hiệu Farmacy, dòng nước hoa St. Rose mang tên “Vigilante” kết hợp giữa các nguyên liệu đã qua sử dụng như gỗ từ Morrocan hay những cánh hoa hồng đã qua quá trình ép sẵn... đang được các chị em yêu thích và lựa chọn.

Mới đây nhất là câu chuyện về dòng sản phẩm chăm sóc da tay Upcycled Carrot Hand Care của Hàn Quốc. Xuất phát từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu là những củ cà rốt giàu dinh dưỡng nhưng thường bị bỏ đi vì vẻ ngoài không được đẹp mắt (không những phí phạm nguồn nguyên liệu tốt mà còn gây hại cho môi trường), Innisfree đã kết hợp với I’m Jeju - một thương hiệu sản xuất nước ép nổi tiếng tại Hàn Quốc, cho ra đời dòng sản phẩm chăm sóc da tay độc đáo Upcycled Carrot Hand Care. Ngay sau khi vào thị trường Việt Nam, dòng sản phẩm này cũng được tin dùng.

Dược mỹ phẩm chiếm lĩnh

An toàn là một vấn đề quan trọng hàng đầu tại Việt Nam, khi người tiêu dùng có xu hướng ưu thích các thành phần organic, hữu cơ, chiết xuất từ thiên nhiên thì dược mỹ phẩm ngày càng phổ biến và trở thành hướng đi lâu dài của các công ty sản xuất mỹ phẩm.

Dược mỹ phẩm chứa những thành phần giúp chuyên trị các vấn đề về da một cách hiệu quả. Ban đầu các sản phẩm này chỉ dành cho đối tượng có bệnh da liễu đặc biệt như chàm, hiện nay chúng được sử dụng để để giải quyết những vấn đề phổ biến hơn như hồi phục da nhạy cảm, hoặc bảo vệ da khỏi tác hại của ô nhiễm môi trường. Dược mỹ phẩm đủ dịu nhẹ để dành cho tất cả mọi người, nhưng hiệu quả hơn nhiều so với mỹ phẩm thông thường.

Thói quen của người Việt khi lựa chọn một sản phẩm mỹ phẩm họ đều quan tâm đến thành phần. Họ am hiểu và giàu kiến thức về các thành phần khác nhau trong mỹ phẩm, họ biết thành phần nào là tốt cho họ. Do đó, dược mỹ phẩm luôn công khai các thành phần một cách minh bạch sẽ là điểm cộng để người tiêu dùng lựa chọn.

Hiên tại, cách truyền thông về công dụng của sản phẩm mỹ phẩm cũng thay đổi đáng kể, điều này cho thấy sự chuyển dịch trong nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng Việt. Các thương hiệu ít quảng cáo các chức năng như làm trắng da, thay vào đó là quảng cáo công dụng chống ôxy hóa, hồi phục da, tăng khả năng đàn hồi... Điều này cho thấy người tiêu dùng có xu hướng ưu chuộng vẻ đẹp nguyên bản thay vì cố gắng thay đổi chúng.

Ngành mỹ phẩm Việt và xu hướng thân thiện với môi trường

Giá trị xanh ở đây không chỉ là các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ mà bao bì của các loại mỹ phẩm phải đảm bảo được vấn đề môi trường.

Vỏ hộp hay bao bì nhựa gắn chặt với sự phát triển của kỹ nghệ mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, từ dầu gội đến kem dưỡng da và chất khử mùi. Điều gây đau đầu cho các nhà hoạt động môi trường là phần lớn số vỏ đựng bằng nhựa này không thể tái chế được.

Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xả thải chất gây ô nhiễm nhựa biển với trung bình 50 tỷ túi nilong được sử dụng mỗi năm tương đương với 10 túi nilong/người/tuần. Tuy nhiên ¼ người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy tái chế khá bất tiện.

Trước khi mà tác hại của nhựa thải vượt quá tầm kiểm soát, ngành mỹ phẩm cần phải thay đổi nếu không muốn hứng chịu những phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng. Nhiều loại hình bao bì sản phẩm mỹ phẩm mới đang xuất hiện tại Việt Nam. Các nhãn hàng đã và đang triển khai các chiến dịch bao bì xanh, thân thiện với môi trường, bảo vệ thiên nhiên và lan tỏa lối sống bền vững. Có thể kể đến như “Chiến dịch trồng cây từ hũ nhựa cũ” của Cocoon – mỹ phẩm thuần chay đầu tiên và số một Việt Nam trong ngày trái đất 2020.

Những thương hiệu quen thuộc vẫn giữ đường nét bao bì cũ, nhưng chất liệu bao bì nay đã khác. Thay vì sử dụng vỏ hộp bằng nhựa, họ đã đưa vỏ hộp bằng giấy vụn tổng hợp hoặc bìa cứng với tỷ lệ nhựa ít để thay thế.

Những nhà nhập khẩu mỹ phẩm cũng ưu tiên lựa chọn các hãng mỹ phẩm có bao bì thân thiện với môi trường hơn để nhập về nước như L’Oreal, Aveda, La Roche-Posay của Pháp, Innisfree của Hàn Quốc...

Lợi ích của xu hướng này được đánh giá bởi quy trình phân tích vòng đời sản phẩm, các tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm (bắt đầu từ quá trình sản xuất cho đến khi sản phẩm được sử dụng và xử lý chất thải) có mức tác động thấp nhất.

Theo nghiên cứu của Công ty Mintel – công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay có doanh thu khoảng 51.000 tỷ đồng/năm. Mức chi của người Việt cho mỹ phẩm chưa nhiều, phần lớn các chị em đều chọn phương pháp làm sạch và chăm sóc da chuyên sâu hơn là trang điểm. Với những xu hướng mới, ngành mỹ phẩm Việt Nam năm 2022 được các chuyên đánh giá sẽ có nhiều bước đột phá lớn, bắt kịp được với xu hướng chung của thế giới.