Túc Anh

Loanh quanh chuyện con gà ngày tết

Tôi còn nhớ như in những ngày xuân khi chị em tôi mới vào cấp 1. Khi ấy bố mẹ tôi còn nghèo lắm. Ở cái huyện nhỏ miền sơn cước, chợ thì rõ là xa, chúng tôi tính đếm được cả số lần ăn thịt trong một năm. Đó là ba ngày Tết, một lần giỗ và ngày sinh nhật của chúng tôi.
Tuy thế, vào mỗi đêm 30 Tết, cả hai chị em tôi đều xúm xít quanh bếp lửa vừa sưởi vừa xem bố tôi cắt tiết, vặt lông con gà sống hoa, rồi lại xem mẹ tôi uốn nó thành hình “cánh tiên” thực là cầu kỳ để đem luộc một cách đầy thành kính. Không biết có phải vì những câu chuyện bố tôi kể về ý nghĩa của con gà đem “cúng cụ” ấy hay không mà từ khi biết nhớ, tôi chưa một lần nào nghĩ về nó bằng cảm giác … thèm thịt vốn luồn tiềm tàng trong đầu óc của một đứa trẻ rất lâu không được ăn thịt.

Vừa nghêu ngao đọc mấy câu lục bát:

Trên đầu đội sắc vua ban,

Dưới thời yếm thắm, dây vàng xum xuê.

Thần linh đã gọi thì về,

Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng…

tôi và cô em gái vừa thi nhau chỉ xem đâu là “sắc vua ban”, đâu là “dây vàng yếm thắm”, rồi thì cãi vã nhau xem sao lại “mâm ngọc”, “gươm kề” nữa, thành ra có hai chị em mà ỏm tỏi cả góc bếp. Những lúc ấy, bố tôi lại ra tay “dẹp loạn” bằng một câu chuyện kể về gà.

Trong những câu chuyện đêm 30, tôi nhớ nhất một truyện về con gà nhưng lại có tên là “ Vì sao vịt không ấp trứng, nuôi con”. Bố tôi bảo, ngày xưa trên trời có tới tận 10 mặt trời. Nhưng vì cả 10 mặt trời cùng tỏa sáng thiêu đốt nhân gian nên cỏ cây khô héo, con người và muôn vật cùng sắp chết khát cả. Đúng lúc ấy có một chàng trai tài giỏi xuất hiện. Anh ta dùng cung tên bắn rơi cả 10 mặt trời. Nhưng cũng vì cả 10 mặt trời đã rơi mất nên mặt đất trở nên tối tăm, lạnh lẽo, con người vẫn không thể sống được. Lúc ấy họ cầu xin ông trời. Ông trời liền hỏi các loài vật dưới đất xem loài nào có thể gọi mặt trời, cuối cùng chỉ có gà trống nhận làm việc đó.

Ngặt nỗi vì mặt trời mà gà trống cần đi gọi lại rơi xuống đáy biển, trong khi gà trống lại không biết bơi, trời hỏi mãi các loài xem có ai giúp được gà thì vịt nhận lời. Tuy thế lúc ấy vịt đang ấp dở ổ trứng chẳng thể bỏ đi, vậy là trời phán từ đó về sau gà mái sẽ ở nhà thay vịt ấp trứng, nuôi con còn vịt sẽ cõng gà trống ra biển gọi mặt trời. Từ đó, mỗi khi gà trống gáy thì mặt trời lại mọc lên đem sự sống cho muôn vật, cũng vì thế mà trong đêm trừ tịch và sáng ngày mồng Một nhất định trên ban thờ phải có con gà sống hoa để tưởng nhớ công lao của con gà trống xưa kia đã gọi được mặt trời và cũng để cầu mong một năm mới bình an, mưa hòa gió thuận.

Câu chuyện được nghe từ ngày nhỏ cứ khắc ghi trong tâm trí mỗi dịp Tết đến xuân về, và có lẽ bởi niềm tin rằng con gà trống kia mang một sức mạnh thần thánh, gọi được cả mặt trời, gọi tháng, gọi năm cho nên đến tận hôm nay, con gà thờ đối với tôi vẫn chỉ luôn mang nghĩa “đẹp” và “thiêng”, thoát hẳn ra ngoài phạm vi “thực phẩm”.

Lớn lên, tìm đọc thêm sách vở tôi mới biết, tục cúng gà trống trong đêm giao thừa về sau được bồi tụ thêm bao lớp nghĩa. Khi tư duy lý tính đã phát triển, người ta ít tin vào những chuyện thần thánh hơn thì ý nghĩa của con gà trống lại được nhìn từ phương diện đạo đức. Dưới Thời Nguyễn, Lê Văn Duyệt – một vị tướng tài của vua Gia Long từng nói về 5 cái đức của gà trống. Một là: đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo gọn gàng đó là Văn. Hai là: chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ. Ba là: thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng. Bốn là: tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân. Năm là: đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín. Binh thư có câu: “Phàm người làm tướng phải có đủ những đức: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín mới có thể làm ba quân mến phục. Có vậy mới là tướng tài để đánh thắng cường địch”. Loài gà có đủ 5 đức ấy, đức nào cũng đáng quý, trong đó gà lấy đức Tín làm đầu, bất kể nắng mưa, đông hạ, lúc nào cũng đúng giờ đúng khắc làm công việc của mình.

Không những ở Việt Nam, nếu nhìn sang đất nước Nhật Bản – xứ sở Mặt trời mọc, một quốc gia mà con người cực kỳ đề cao chữ Tín, hình ảnh con gà cũng được người dân hết sức tôn thờ. Truyền thuyết của Nhật bản cũng kể rằng, tổ tiên của dân tộc Nhật – nữ thần mặt trời Amaterasu vì tức giận hành động ngang ngược của người em trai là thần bão tố Susano nên đã lánh vào hang động khiến dương gian chìm trong bóng tối. Các vị thần đã cho những con gà trống khỏe nhất đậu trên các thanh gỗ bắc thành những cây sào cất tiếng áy vang hy vọng nữ thần nghe tiếng gà gáy sẽ chui ra khỏi chỗ nấp. Quả nhiên, nữ thần Amaterasu đã ló dạng và soi sáng cho trần thế.

Từ đó trở đi con gà trống và chiếc sào mà gà trống đậu lên đều trở thành những biểu tượng linh thiêng trong văn hóa Nhật Bản. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian của người Nhật, gà trống còn là sứ giả cảnh báo thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn. Với những ý nghĩa thiêng liêng đó, hằng năm ở Nhật Bản đều tổ chức Lễ hội Gà trống (Tori no Ichi) vào ngày Dậu của tháng 11. Đây vốn là một nghi lễ nông nghiệp với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho vụ mùa bội thu, và được mang tên Gà trống như sự hàm ơn ngầm ẩn đối với con vật luôn đem lại vòng tuần hoàn đều đặn, thuận hòa của thiên nhiên, vũ trụ.

Với vẻ ngoài oai vệ và tiếng gáy trời phú, gà trống đã trở thành biểu tượng đẹp của nhiều nền văn hóa. Còn đối với riêng tôi, đó còn là con gà thiêng liêng trong đêm trừ tịch, con gà gắn với bao kỷ niệm ấm áp tuổi thơ.

BÌNH LUẬN
Họ và tên
Địa chỉ Email
Mã bảo vệ
 Off  Telex  VNI  VIQR

Đề nghị viết tiếng Việt có dấu

Tiêu đề
Nội dung