Lữ Mai

Phan Nhân 1972, cuốn sách đáng đọc

“Phan Nhân 1972” khiến tôi nghĩ đến một bộ phim về họ. Lâu nay, phim cho tuổi mới lớn bối cảnh thường về Hà Nội hoặc phía Nam, gần như chưa từng có bộ phim công phu nào cho riêng những cô cậu học trò nơi rẻo đất miền Trung nắng gió. Nay đọc sách, tôi thấy nó đa sắc đa thanh hơn mọi hình dung vốn có của mình. Tôi thuộc thế hệ sau Phan Nhân 1972, sinh trưởng ở vùng miền khác, cũng trải qua tuổi học trò hoa mộng đầy kỷ niệm khó quên nhưng thành thật mà nói, nếu giờ cho tôi/chúng tôi kể lại, vẫn khó ắp đầy như cuốn sách gần 400 trang này. Tôi luôn nghĩ, dữ liệu và nhân chứng là một chuyện, nhưng rõ ràng phải có một sợi dây đặc biệt kết nối tất cả lại với nhau một cách mặc nhiên, vô điều kiện và bền bỉ lắm, mới thành.
Vẫn những câu chuyện kiểu “nhất quỷ nhì ma…”, điều đặc biệt khi những Phan Nhân kể chuyện là sự dí dỏm, sử dụng phương ngữ quyến rũ đến lạ lùng. Giở sách từ phần mục lục, dừng ở mẩu chuyện “Đỏ au”, không nhịn được cười trước tình huống các cậu chàng mới lớn đoán già đoán non bí mật của đám con gái sau phập phồng lớp áo. Họ cho đó là câu hỏi lớn trong đời, chưa giải đáp được ắt chưa yên. Những cậu chàng tồng ngồng vẫn vạch áo mình khẳng định “nó cụng giống ri nầy”, lạ thay vẫn có khối đứa tin.

 Đứa ranh ma hơn thì kết luận, con gái nội trú “chỉ để ngửi chứ mần chi được”. Hay chuyện nữ sinh “điệu điệu, đen đen” trưa khó ngủ vì tiếng còi kem đã xa xả vào anh bán hàng: “Trời nóng như rang, nằm mại không ngủ được mà anh cứ bóp bóp là răng?”. 

Chợt nhớ, có lần đi công tác, tôi đánh rơi chiếc kẹp tóc càng cua, vật bất ly thân, ai hỏi đều lắp bắp luống cuống: “Em tìm chiếc kẹp càng cua!”. Bỗng giọng nói róng riết lói lên: “Kẹp càng cua là cấy chi mà khộ rứa?”. Tất cả cười nghiêng ngả, cấp độ tăng dần theo câu nói lặp lại đầy biểu cảm, riêng người nói, một anh bộ đội, vừa hờn trách vừa xông pha tìm. Ngôn ngữ miền Trung, cứ tưởng tượng nó được cô thành từng hạt, bỏ chảo mà rang, và rồi giòn giã, nồng nàn lắm nỗi.

Không khí của “Phan Nhân 1972” là nắng. Nắng đến độ đám con gái loai choai rủ nhau cắt ngang cuộng bí cho nó chui vào cổ chai, sau một đêm thưởng thức món giải khát trác tuyệt; nấu bữa cơm chiều mà “loay hoay nhễu nhượi”, ngôn ngữ không chỉ tượng hình mà còn gợi được cảm giác bức bối rấm rứt tận da thịt và bít rít lỗ chân lông. Có ở rẻo đất miền Trung thương khó mới thấm thía điều này. Kì diệu là nắng gay gắt rót qua thời hoa mộng ấy vẫn miên man, nhoi nhói êm đềm. Chẳng thế mà, mở sách ra gặp ngay những câu thơ chép lưu bút một thời, hình ảnh bàn tay ngón hờ hụt mất chiếc lá bay. 

Tôi ấn tượng mãi cách những cô gái ngày xưa tả lại bạn mình, cổ tay tròn trịa, đôi má nâu nâu tàn hương rồi những cuộc đọ mắt, chia bàn, ai thua bắt gọi “chị” xưng “em” đâu đâu cũng có, thế nhưng chi tiết giữa miền tuyết trắng bao la mù mịt, cô gái thuở xưa nghe tiếng “chị” vọng lên, đọc bỗng cay xè mắt.

Phan Nhân ai cũng có biệt danh siêu chất, viết sách, người để tên thật, người không, nhưng cứ đắm mình trong không khí ríu ra ríu rít ấy, bạn sẽ biết anh là ai và ả là ai. Lẫn đâu được quả tóc phi dê, những câu chuyện về người cha sâu nặng; lẫn đâu người tay xách xô nước, tông Lào kêu roét roét dưới chân, đi chỉ một tháng quai dép đã rộng như... chun quần! 

Ở vùng nắng đỏ thành Vinh, lứa Phan Nhân thế hệ ấy “liên thủ” lại từ bao nhiêu tinh túy. Khí chất biểu hiện ngay trong cách họ kể câu chuyện về mình. Trạng thái chông chênh giữa tình bạn và tình yêu, nhõn hai lần đi chơi với nhau đều hỏng xe, dắt bộ, không có từ nào cao hơn tình bạn được nói ra, tôi đọc thấy buồn thương, đằm lắng chảy qua mình, tựa hình bóng một dòng sông.

 “Cho tau mượn ít vốn tau buôn hoa…” Mùng hai Tết, cậu chàng ấy vẫn ở sau nhà tắm, chơi hoa sang chảnh, hồng, cúc tràn khắp cái chum vỡ cả nhà đựng nước tiểu; vườn mía cạnh trường được đàn chó “vừa to vừa điêu” canh giữ, chủ vườn còn phải nạt chó im đi khỏi điếc tai, đám trò tinh nghịch đột kích bằng liềm và dao gọt mướp; sắc màu ngang qua ô cửa bé tí hắt ánh đèn yếu ớt đôi khi người đổi bánh mướt bánh ngọt ghé ngang và những đêm hè giông mưa ngập nước lướt bè chuối khắp nơi… Tôi vừa cười, vừa khóc với những Phan Nhân một thời lừng lẫy.

Khoảng lặng khiến tim tôi đập chậm, kìm nén xúc động chính ở trang viết của các tác giả về những người thầy. Từ thầy chủ nhiệm ví như ông Bụt, cách đeo mục kỉnh của thầy dạy tiếng Nga, phong cách lịch thiệp của thầy dạy Sử: “Cảm ơn em. Em về chỗ. Một điểm”. Làm nên Phan Nhân của ngày hôm nay, là những người thầy vừa lắng nghe học sinh giải trình và đưa cho khăn lau nước mắt, rằm tháng Bảy kẽo kẹt bọc xôi đỗ xanh vợ nấu mang đến cho đám trò.

 Tôi gặp trong dư âm câu chuyện ấy các thầy cô của tôi. Họ chở tôi đi thi bằng xe đạp, luôn tay quạt chiếc quạt giấy say sưa nhìn tôi ăn phở phố huyện sau giờ thi. Và mắt tôi nhòa nước trước những dòng thơ của chị Phong: “Thời gian ơi/ Sao đi qua đời thầy/ Toàn màu trắng”.

Thế hệ “Phan Nhân 1972” giờ mỗi người một phương trời, nhiều nhân vật thành đạt nhưng trong mắt nhau họ vẫn giữ gìn được góc nhỏ của ngày như xưa, vi vu khắp trời tây lại cùng nhau đi từ thiện, nấu cơm chay, cháo nấm. Gần 400 trang sách, với tôi vẫn còn là ít. Tôi đọc như khát, suốt chiều sang đêm, xuyên sang ngày mới. 

Thú vị không kém là phần comment sau mỗi bài viết, cách tương tác, tung hứng rất Phan Nhân. Khá lâu rồi, mới lại có cuốn sách về thuở học trò khiến tôi phấn khích lạ lùng. Cũng phải nói thêm, tôi không phải người xứ Nghệ, nhưng mỗi lần đọc và nghe phương ngữ miền này, tôi luôn hiểu và yêu, chính nhờ những con người tài hoa, mộc mạc.

Ngày 18/7/2019
Lữ Mai

BÌNH LUẬN
Họ và tên  
Địa chỉ Email  
Mã bảo vệ  
 Off  Telex  VNI  VIQR

Đề nghị viết tiếng Việt có dấu

Tiêu đề  
Nội dung