TRẦN BÌNH DUYÊN-Phó chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm VN

Một số giải pháp nhằm phát triển tinh dầu - hương liệu Việt Nam

Với đặc thù là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, Việt Nam rất phù hợp cho sự phát triển các loại cây thực vật nói chung và các loài cây cho tinh dầu nói riêng. Vì vậy đã từ lâu việc sử dụng các loại tinh dầu hương liệu đã rất phổ biến trong việc phòng chữa bệnh và phục vụ thực phẩm, mỹ phẩm trên cả nước.

1. Giai đoạn từ 1958 đến trước 1990.

- Đây là thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp ,nhà nước độc quyền về quản lý sản xuất kinh doanh các loại dược liệu, tinh dầu hương liệu hình thành một số nông trường tạo ra nhiều nguyên liệu, dược liệu, tinh dầu hương liệu phục vụ cho nhu cầu ở trong nước và xuất khẩu cho một số nước Đông Âu trong khối CEV, mà lớn nhất là Liên Xô cũ . Thời gian này đã có sản phẩm từ một số cây di thực, có sản lượng đáng kể như tinh dầu sả Java Indo, sả hoa hồng Ấn Độ, bạc hà VN975, VN976, cây tràm Úc, hương mao thảo từ Trung Quốc, hương nhu trắng Trung Quốc, tinh dầu quế, tinh dầu hồi..., tinh dầu hương quế, tinh dầu màng tang, tinh dầu long não, tinh dầu chanh,....

Nông trường Bắc Sơn (Thái Nguyên) chuyên sản xuất sả Java, nông trường 2/9 (Kim Bôi - Hòa Bình) chuyên sản xuất tinh dầu hương mao, nông trường Bình Minh (Hà Nam Ninh) chuyên sản xuất tinh dầu hương nhu trắng, nông trường Tân Lạc (Hòa Bình) do Công ty Dược liệu TWI chỉ đạo chuyên sản xuất tinh dầu hương nhu trắng.

Các HTX Nông nghiệp ở huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương (Tuyên Quang) chuyên sản xuất tinh dầu sả Java với sản lượng lớn nhất cả nước. Các HTX nông nghiệp huyện Bình Gia, Văn Lãng, Hữu Lũng chuyên sản xuất hoa hồi để làm nguyên liệu cho nhà máy dầu Lạng sơn. Nhiều HTX các tỉnh Hưng yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định sản xuất tinh dầu bạc hà VN975, VN976, một số vùng ngoại thành Hà Nội cũng tham gia sản xuất tinh dầu bạc hà, hương nhu cho xuất khẩu.

Một vài tổ hợp Đồng bằng sông Cửu Long cũng tham gia sản xuất tinh dầu bạc hà tím Đài Loan, nhưng chất lượng không ổn định. Riêng cây quế được tập trung sản xuất ở Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Nam đã có dầu quế xuất khẩu và nguyên liệu vỏ quế. Tinh dầu hương quế cũng được sản xuất ở Hưng Yên để xuất khẩu.

Do chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch bao cấp, giá cả tương đối ổn định, thống nhất, sản phẩm do các công ty của nhà nước làm đầu mối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

2. Giai đoạn sau 1990: Thời kỳ kinh tế thị trường.

Sau 1990 chuyển sang nền kinh tế thị trường, sự chỉ đạo và chi phối của Nhà nước giảm dần. Các trạm nghiên cứu dược liệu tại các tỉnh được xóa bỏ. Nhà nước chỉ cho phép duy trì Viện nghiên cứu dược liệu TW, các Viện (Nghiên cứu di truyền Nông nghiệp, Nghiên cứu Giống nông nghiệp) chỉ nghiên cứu cây cho lương thực, thực phẩm.

Do tác động của kinh tế thị trường ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành kinh tế, trong đó có sản xuất kinh doanh tinh dầu, hương liệu, dược liệu... Nhà nước không bao cấp và không độc quyền, mọi hoạt động được chi phối bởi thị trường trong và ngoài nước, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhiều sản phẩm tinh dầu, hương liệu xuất khẩu cho các nước Đông Âu bị đình đốn và xóa bỏ như tinh dầu hương nhu, bạc hà, quế .v.v… do Đông Âu tan rã.

Nhưng do tác động việc mở cửa nhiều thị trường nước ngoài khác, nên các sản phẩm tinh dầu, hương liệu lại có cơ hội phát triển theo hướng khác khá sôi động. Rất nhiều cơ sở và Công ty tư nhân, Công ty cổ phần được thành lập và đầu tư phát triển kinh doanh Dược liệu, Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm. Riêng khu vực Hà Nội đã có khoảng 40 Công ty và Trung tâm kinh doanh các sản phẩm này - và sau này tăng liên tiếp.

Nhiều loại Tinh dầu được sản xuất kinh doanh và xuất khẩu với sản lượng khá lớn như: Tinh dầu Bạc hà trên 100 tấn/ năm, Tinh dầu sả 300 tấn, Tinh dầu Quế trên 30 tấn, Tinh dầu Màng tang trên 100 tấn. Riêng Tinh dầu Xá xị có năm cao nhất đạt trên 2000 tấn (vừa khai thác trong nước và vừa tạm nhập tái xuất từ Lào, Campuchia). Một số cơ sở ở miền Trung, miền Nam đã đầu tư sản xuất các loại tinh dầu Tràm và Tinh dầu Tràm Hương để xuất khẩu với số lượng đáng kể. Từ năm 1999, Nhà nước không cho phép khai thác Tinh dầu Xá xị trong nước, nên sản lượng giảm hẳn.

Công ty Dược liệu TWI đã di thực thành công giống Bạc hà mới từ Nhật Bản, ký hiệu SK33 để xuất khẩu cho Nhật trong khoảng 10 năm liền từ 1998; với diên tịch trồng trọt gần 1000 ha tại Hưng Yên, Hà Nam, có hàm lượng Menthol trong Tinh dầu đạt 75%, rất tốt. Công ty tinh dầu thuộc Viện khoa học Việt Nam cũng đã đầu tư sản xuất nhiều loại tinh dầu và hệ thống cất phân đoạn tách một số đơn hương và một số công ty khác ở cả miền Nam, miền Bắc tham gia sản xuất, kinh doanh tinh dầu.

- Do cạnh tranh gay gắt, nhiều công ty không tự tồn tại được, không đủ sức phát triển nên đã rẽ theo hướng khác

Trong chương trình K7-D2 của Nhà nước đã có một số đề tài tập trung nghiên cứu tinh dầu hương liệu. Riêng Công ty Dược liệu TWI đã được giao làm chủ nhiệm đề tài: "Công nghệ tinh chế và chuyển hóa tinh dầu làm thuốc và xuất khẩu", góp phần thúc đẩy việc sản xuất tinh dầu, hương liệu chất lượng cao với các mục tiêu:

- Nghiên cứu chế tạo tháp cất phân đoạn giảm áp đa năng dạng đĩa

- Tách chiết Cineol trong tinh dầu Tràm

- Tách chiết Pinen trong tinh dầu Thông

- Phân đoạn các chất chính trong tinh dầu Bạc hà

- Chuyển hóa Methyl Acetat và Menthone thành hoạt chất Menthol

- Tách chiết Citral trong tinh dầu Màng tang

- Tách chiết Campor trong tinh dầu Long não ra tinh thể Campor

- Xác định Eugenol trong tinh dầu Xả Việt Nam

Viện nghiên cứu Dược liệu TW cũng có chương trình hợp tác với Trung tâm nghiên cứu tinh dầu, Mỹ phẩm của Pháp (từ 1995 đến 2003) để nghiên cứu nhiều loại tinh dầu, dầu thơm và kỹ thuật tách chiết ra các sản phẩm hương liệu cho công nghiệp.

Hội Trầm hương Việt Nam đã đóng góp rất lớn phát triển diện tích cây gió bầu, biện pháp tạo Trầm, cũng như cất chiết tinh dầu Trầm để xuất khẩu.

Sau 2005, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh tinh dầu hương liệu không đủ điều kiện tồn tại,việc sản xuất kinh doanh nhóm hàng này gặp nhiều khó khăn, vì nhu cầu thế giới không ổn định, cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm tinh dầu của Trung Quốc, Ấn Độ(hai quốc gia có sản lượng tinh dầu rất lớn).

Các cơ sở sản xuất kinh doanh tinh dầu hương liệu rơi vào tình trạng manh mún, phân tán, hoàn toàn phụ thuộc thị trường chi phối, không có đầu mối chỉ đạo, không có ưu đãi và sự quan tâm nào của các ngành các cấp.Việc sản xuất kinh doanh do thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các địa phương trở nên tự phát

- Nhiều cơ sở sản xuất cầm chứng,tập trung một số vùng như Quế ở Yên Bái, Quảng Nam, Cây Hồi ở Lạng Sơn, Thảo quả ở Lào Cai, vài nơi trồng lại cây Sả, Bạc hà, Húng quế, Tía tô, Gió bầu, Sen, Hương vải, Cam, Chanh, Hoa hồng, Ngâu, Nhài, Cúc hoa, Hương bài, Gừng …. .

- Về kỹ thuật trồng trọt và cất tinh dầu chủ yếu vẫn tổ chức theo kiểu truyền thống, chưa có sự đầu tư đột phá.

Trước tinh hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm tinh dầu, hương liệu có khó khăn, rất cần có các giải pháp đồng bộ


1. Về mặt quản lý Nhà nước:

- Chính phủ và các Bộ, Ngành cần xác định mục tiêu, phương hướng phát triển ngành sản xuất kinh doanh tinh dầu, hương liệu để phục vụ cho nhu cầu làm thuốc, làm thực phẩm chức năng, gia vị, mỹ phẩm, làm sạch môi trường và làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác. Rất nhiều loại tinh dầu, hương liệu là các loại dược liệu quan trọng trong cuộc sống và y học cổ truyền

- Trên cơ sở đó, xác định phương hướng mục tiêu cụ thể 5 năm, 10 năm, 20 năm(dựa trên nhu cầu trong nước và xuất khẩu).

- Cần có quy hoạch phát triển từng vùng, địa phương có ưu thế với từng loại sản phẩm, tạo ra các sản phẩm thương mại đáng kể.

- Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ nguồn vốn vay hỗ trợ, với lãi xuất phù hợp.

- Có các chương trình, dự án khuyến công, khuyến nông phù hợp, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào việc phát triển sản xuất tinh dầu, hương liệu.

- Khuyến khích các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu đầu tư nghiên cứu cải tiến giống, tạo giống mới, cho năng suất cao, hàm lượng hoạt chất cao, chịu được các điều kiện thay đổi khí hậu: phải có sự quan tâm của Nhà nước về nguồn tài chính để đầu tư nghiên cứu khoa học lĩnh vực này.

- Tăng cường truyền thông về việc khuyến khích người Việt Nam dùng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu.

- Cần xem lại và điều chỉnh các loại thuế cho ngành này để tạo điều kiện cạnh tranh với hàng ngoại

2. Đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh

- Các cơ sở sản xuất và kinh doanh cần tiếp cận thị trường , xác định nhu cầu từng loại sản phẩm phù hợp, để có kế hoạch đầu tư sản xuất và kinh doanh

- Trước mắt, cần bảo tồn và phát triển một số vùng phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu như Quế ở Yên Bái, Quảng Nam, Thanh Hóa (trên 20.000ha), cây Hồi ở Lạng Sơn, Cao Bằng (trên 40.000ha), cây Thảo quả ở Lào Cai, Tam thất ở Hà Giang, cây Sen có ở nhiều tỉnh, Hoa hồng ở Đà Lạt, ngoại thành Hà Nội, Bạc hà, Húng quế (Hưng Yên), Địa Liên (Hưng Yên), Đương quy Sa Pa, Đà Lạt, Mộc Châu; cây Xả ở nhiều tỉnh miền núi….

- Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để tìm các sản phẩm mới, công nghệ mới để chiết tách hoạt chất.

- Các doanh nghiệp cần đầu tư các cơ sở chế biến, thiết bị công nghệ trong lĩnh vực chiết tách, nâng cấp chất lượng sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu quốc tế.

- Tăng cường tiếp cận với thị trường thế giới dể nắm bắt nhu cầu và tìm các cơ hội xuất khẩu.

- Chủ động trong việc tìm kiếm giống mới, các biện pháp cải tiến giống đạt hiệu quả cao nhất.

- Tạo ra được đội ngũ nhân lực có đủ khả năng để giải quyết các mục tiêu trên.

- Tạo mối quan hệ chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận với người nông dân để cùng tồn tại và phát triển trên cơ sở hợp đồng kinh tế

- Như vậy vai trò của các cơ sở doanh nghiệp rất là quan trọng trong mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm tinh dầu, hương liệu

3. Đối với các Viện nghiên cứu và nhà khoa học

- Cần tập trung nghiên cứu các loại giống mới, lai tạo hoặc di thực từ nước ngoài để thay thế dần các loại giống cũ bị thoái hóa và năng suất thấp.

- Cần nghiên cứu công nghệ tách chiết các đơn hương , chưng cất tinh dầu hương liệu đảm bảo chất lượng và giá thành phù hợp với mặt bằng quốc tế.

- Nghiên cứu sâu quy trình trồng trọt, quy trình nhân giống, chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Xây dựng tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tinh dầu hương liệu Việt Nam trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế

4. Đối với Hiệp hội tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam

- Hiệp hội cố gắng tập hợp, thu hút thêm các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và một số cơ quan quản lý để thực sự khơi dậy trách nhiệm xã hội, lòng nhiệt tình say mê với ngành sản xuất kinh doanh tinh dầu ,hương liệu, mỹ phẩm nhằm đem lại lợi ích cho người lao động, cho quốc gia

- Tổ chức phối hợp một số cơ sở sản xuất, kinh doanh có các sản phẩm tinh dầu hương liệu chất lượng cao, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm,

- Mạnh dạn đổi mới cơ chế hoạt động của Hiệp hội:nắm bắt và kết nối hoạt động các đơn vị, các địa phương, và kết nối thị trường trong nước với quốc tế hoặc tổ chức các hình thức Maketing các sản phẩm để thúc đẩy sản xuất trong nước.

- Áp dụng các trang mạng xã hội vào việc triển khai các chương trình, các ý tưởng, các hoạt động quảng bá sản phẩm, các dự án nghiên cứu