Hà Thu

Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam quyết tâm đổi mới trong nhiệm kỳ 2023 - 2028

Nhiệm kỳ 2017 - 2023 trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, song cũng mở ra nhiều cơ hội mới, ngưỡng cửa mới trong hoạt động của Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) và các thành viên trong nhiệm kỳ mới (2023 - 2028).

Sáng 11/11, Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ V (2023 – 2028) với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các cá nhân tại Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm.

Nỗ lực vượt khó

Phát biểu khai mạc đại hội ông Đỗ Duy Phi, Chủ tịch VOCA đánh giá, nhiệm kỳ 2017 - 2023 mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng VOCA vẫn luôn nỗ lực và đã đạt được được nhiều thành tích góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi dịch bệnh và thành tựu chung của công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Ông Đỗ Duy Phi, Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu - hương liệu - mỹ phẩm Việt Nam (VOCA)
Ông Đỗ Duy Phi, Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA).

Đánh giá về công tác nhiệm kỳ 2017 - 2023, ông Đỗ Duy Phi cho biết, nhiệm kỳ 2017 - 2023 trong bối cảnh khó khăn chung, Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, song cũng mở ra nhiều cơ hội mới, ngưỡng cửa mới trong hoạt động của Hiệp hội và các thành viên trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Nhiệm kỳ qua dù còn nhiều khó khăn, song VOCA với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các cá nhân tại Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm đã không ngừng nỗ lực để hỗ trợ các hội viên.

Theo đó, bên cạnh hỗ trợ, gắn kết các doanh nghiệp, tổ chức hội viên, các viện nghiên cứu thuộc VOCA đã xây dựng cơ sở dữ liệu “data base” cho hơn 1.000 chất tinh dầu Việt Nam; nghiên cứu phát triển kỹ thuật hiện đại trong chưng cất tinh dầu bằng công nghệ enzyme; nghiên cứu quy trình tinh chế và xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu cho tinh dầu trầm hương Việt Nam; nghiên cứu công nghệ sản xuất nhựa dầu gừng và một số gia vị chọn lọc của Việt Nam; nghiên cứu chế tạo Cyclodextrin để sản xuất hương liệu dạng bột dùng cho công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm…

Một số doanh nghiệp thành viên của hiệp hội cũng không ngừng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho bảo vệ sức khỏe cho người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Quyết tâm đổi mới

Theo ông Đỗ Duy Phi, trước xu thế phát triển của cách mạng công nghệ, việc đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với phát triển của mỗi ngành, trong đó có lĩnh vực hoạt động của VOCA. Đặc biệt, với lĩnh vực tinh dầu, hương liệu và mỹ phẩm lại càng đòi hỏi ứng dụng cao từ các thành tựu khoa học, từ công nghệ, tạo ra các sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sức khỏe và đáp ứng nhiều nhu cầu thiết yếu của con người.

“Nhiệm kỳ 2023 - 2028 đặt ra cho VOCA và những thành viên của Hiệp hội nhiệm vụ không ngừng củng cố, phát triển, đổi mới, sáng tạo để đạt được những thành tích trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành, góp phần vào sẹ phát triển chung của ngành cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân của ngành Y tế”, ông Phi nói.

Cũng trong xu thế phát triển của cách mạng công nghệ, nhất là sự bùng nổ của các ngành kinh tế số, thương mại điện tử,… VOCA cùng các thành viên sẽ chú trọng tìm hiểu, tổ chức các hội nghị, hội thảo để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác trong nhiệm kỳ mới.

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của nhiệm kỳ mới, ông Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VOCA cho biết, về công tác tổ chức, trong nhiệm kỳ mới Hiệp hội sẽ tiếp tục củng cố tổ chức để bộ máy phân công phân nhiệm ban thường vụ, ban chấp hành, ban kiểm tra, ban thư ký Hiệp hội một cách khoa học phù hợp với năng lực kinh nghiệm, sở trường để mọi vị trí phát huy được thế mạnh của mình cho sự phát triển ổn định của Hiệp hội.

Đồng thời, phát triển Hiệp hội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, vận động kết nạp thêm các hội viên tập thể và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Quan tâm động viên các hội viên trẻ, nhất là các hội viên còn đương nhiệm tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của Hiệp hội.

ông Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VOCA
Ông Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VOCA.

Về công tác nghiên cứu khoa học, Hiệp hội sẽ đề ra nhiệm vụ cụ thể để phát huy sức mạnh của hội viên trong công tác nghiên cứu khoa học, phấn đấu trong nhiệm kỳ mỗi lĩnh vực Hiệp hội quản lý có từ 2 - 3 đề tài nghiên cứu, dự án.

Bên cạnh đó, phấn đấu để các chi hội, hội viên là tổ chức, doanh nghiệp có được đề tài riêng hoặc đề tài kết hợp, trên cơ sở phân công của Nhà nước, chính quyền và liên hiệp hội địa phương, của các tổ chức chuyên ngành hoặc dưới dạng hợp đồng với các doanh nghiệp. Có thể ứng dụng phương thức liên kết giữa Hiệp hội với đơn vị thành viên, và giữa các đơn vị thành viên với nhau, hoặc với các đơn vị ngoài Hiệp hội để có thể nhận các đề tài và nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn hơn.

Các viện nghiên cứu thuộc Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu dựa trên các chiến lược phát triển của Nhà nước đối với từng lĩnh vực chuyên ngành có liên quan (tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, gia vị, màu thực phẩm, dược liệu...).

Song song đó, Hiệp hội sẽ tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo khoa học chuyên đề nhằm qua đó tìm được những đề tài, dự án có giá trị để triển khai. Nội dung hội thảo sẽ được chuẩn bị chu đáo, có chất lượng cao về học thuật lẫn nội dung thực tiễn, có sự kết nối chặt chẽ giữa các đối tượng tham gia.

Về công tác phát triển sản xuất kinh doanh, Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy lợi thế là một tổ chức đa lĩnh vực, đa ngành, có đầy đủ các nhà khoa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, có kinh nghiệm tổ chức sản xuất từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn.

Xây dựng quy hoạch phát triển đối với ngành tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm để trình Nhà nước ban hành chương trình quốc gia về Tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm.

Hiệp hội đặt mục tiêu sẽ có kế hoạch hàng năm, nhiều năm trong lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu tinh dầu, dược liệu, hương liệu.

Với các hội viên là tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội đề xuất cần phát huy thành quả đã đạt được trong những năm qua, kết hợp nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh phấn đấu mỗi năm tăng trưởng trên 10%.

Về công tác hội nhập và hợp tác quốc tế, Hiệp hội sẽ nỗ lực duy trì và phát huy hơn nữa các mối quan hệ quốc tế hiện có, tham gia tích cực có trách nhiệm trong mọi hoạt động của Hiệp hội Mỹ phẩm ASEAN. Tham gia các diễn đàn, hội thảo, triển lãm, hội chợ quốc tế về các lĩnh vực của Hiệp hội đang hoạt động…

Về công tác truyền thông, Hiệp hội sẽ tiếp tục củng cố thông qua Tạp chí Mỹ phẩm - cơ quan ngôn luận của Hiệp hội để tạp chí trở thành kênh tuyên truyền những hoạt động và thành tựu khoa học trong lĩnh vực tinh dầu, hương liệu và mỹ phẩm; tuyên truyền, giới thiệu hoạt động của các thành viên Hiệp hội tới đông đảo độc giả quan tâm trên cả nước và quốc tế.

Tại đại hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua miễn nhiệm các thành viên Ban chấp hành Hiệp hội khóa IV, nhiệm kỳ 2017 - 2023 và bầu mới Ban chấp hành Hiệp hội khóa V, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với 69 thành viên. Từ 69 thành viên Ban chấp hành, đại hội đã bầu ra 22 thành viên Ban Thường vụ.

Các thành viên trong Ban Thường vụ VOCA khóa V, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Các thành viên trong Ban Thường vụ VOCA khóa V, nhiệm kỳ 2023 - 2028.