Theo Dep

2018: Năm “thay da đổi thịt” của làng thời trang thế giới

Sự nhộn nhịp của làng thời trang thế giới trong năm vừa qua không chỉ thể hiện trên những sàn diễn, mà ngay cả bản thân các nhà mốt đình đám cũng có nhiều biến động, từ việc thay đổi nhân sự chủ chốt đến bộ nhận diện thương hiệu,…

Tháng 01/2018

Vừa tạm biệt năm 2017 chưa bao lâu, làng thời trang thế giới đã liên tục mang đến cho giới mộ điệu những bất ngờ. Mở màn bằng lời thông báo “nóng sốt” khi tập đoàn LVMH chính thức công bố NTK Hedi Slimane sẽ trở thành Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Céline, thay thế cho Phoebe Philo.

NTK Hedi Slimane

NTK Hedi Slimane

Tháng 03/2018

Đầu tháng 3, cái tên đầu tiên trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý chính là Ricardo Tisci, khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Burberry thay cho Christopher Bailey. Với những gì mà Ricardo Tisci đã làm được với Givenchy trước đó, giới mộ điệu đã đặt nhiều kỳ vọng vào lần “thay máu” này và đông đảo tín đồ thời trang đều ngóng chờ BST ra mắt vào 9.

Ricardo Tisci được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Burberry.

Ricardo Tisci được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Burberry.

Tin tức mới từ nhà mốt nước Anh chưa hạ nhiệt, làng thời trang thế giới lại được dịp xôn xao khi Kim Jones trở thành Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu dành cho nam giới Dior Homme. Cái bắt tay “như tin đồn” trở thành câu chuyện được mổ xẻ bởi giới mộ điệu, với nửa hoài nghi và nửa kỳ vọng về khả năng của Kim Jones, liệu anh có thể thực hiện lý tưởng của mình tại Dior Homme khi đưa hơi thở streetwear cộng hưởng với gu thời trang cao cấp.

NTK Kim Jones và hình ảnh quảng bá cho BST đánh dấu sự kết hợp của anh và Dior Homme.

NTK Kim Jones và hình ảnh quảng bá cho BST đánh dấu sự kết hợp của anh và Dior Homme.

Vào những ngày cuối tháng 3, cuộc chia tay giữa Olivier Lapidus và thương hiệu Lanvin đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới, khi vai trò đầu tàu của NTK này chỉ kéo dài mới 8 tháng. Hàng loạt con số tài chính bất ổn từ 2017 đã dần kéo cái tên của thương hiệu trăm tuổi này lao dốc, sự rời bỏ của vị Giám đốc Điều hành Nicolas Druz ngay sau đó như đang hé mở ra chương kết cho Lanvin. Đặc biệt, nhiều nguồn tin còn cho biết, tập đoàn Fosun của Trung Quốc cũng đang lăm le mua lại thương hiệu này và sẽ cho “thay máu” hàng loạt NTK ngay khi thương vụ hoàn thành.

NTK Olivier Lapidus rời khỏi ghế Giám đốc Sáng tạo của Lanvin.

NTK Olivier Lapidus rời khỏi ghế Giám đốc Sáng tạo của Lanvin.

Tháng 06/2018

Sau hơn 2 tháng yên ắng, ngày 13/06, Bottega Veneta bất ngờ đưa ra công bố chính thức về việc NTK Tomas Maier không còn “chung một nhà” sau 17 năm gắn bó. Được biết đến như “bàn tay vàng” đã đưa nhà mốt nước Ý trở lại thời hoàng kim, Tomas Maier đã để lại không ít dấu chấm hỏi trong lòng giới mộ điệu khi phải chứng kiến màn chia tay đột ngột này. Người kế nhiệm của ông chính là NTK Daniel Lee, chính thức đảm nhận vị trí kể từ tháng 7.

Tomas Maier trong buổi ra mắt BST cuối cùng của ông dành cho thương hiệu Bottega Veneta.

Tomas Maier trong buổi ra mắt BST cuối cùng của ông dành cho thương hiệu Bottega Veneta.

NTK Daniel Lee sẽ là người kế nhiệm của Tomas Maier tại Bottega Veneta.

NTK Daniel Lee sẽ là người kế nhiệm của Tomas Maier tại Bottega Veneta.

Tháng 08/2018

Sau 2 thập kỉ, dưới sự dẫn dắt của Ricardo Tisci, Burberry đã “thay da đổi thịt” với họa tiết mới. Lấy cảm hứng từ mẫu logo 1908 của Burberry và bản vẽ phác thảo của Thomas Burberry, nhà thiết kế đồ họa Peter Saviller đã đưa ra mẫu logo mới cùng họa tiết monogram gồm chữ “T” đỏ và “B” trắng được lồng vào nhau, trên nền màu vàng mật ong. Đây được xem là một cột mốc lịch sử khi ông lớn thời trang của nước Anh chính thức “tạm biệt” họa tiết kẻ sọc, vốn từng là cộp mác của Burberry suốt 20 năm qua.

Mẫu logo mới được lược giản bớt phần hình và dùng kiểu chữ bản to, khoảng cách được kéo lại gần hơn.

Mẫu logo mới được lược giản bớt phần hình và dùng kiểu chữ bản to, khoảng cách được kéo lại gần hơn.

Họa tiết monogram mới của Burberry.

Họa tiết monogram mới của Burberry.

Tháng 09/2018

Trước khi ngắm nhìn những thiết kế đầu tiên của Burberry với họa tiết monogram trong tháng 9, người yêu thời trang lại được hay tin “sốt dẻo” từ nước Pháp: từ nay hãy gọi Céline là Celine. Hành động thay đổi nhận diện thương hiệu này làm dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi. Phần lớn fan hâm mộ của hãng bày tỏ cảm xúc không hài lòng khi Hedi Slimane lại một lần nữa lặp lại lịch sử, như ông đã từng cắt bỏ “Yves” khỏi tên thương hiệu của Saint Laurent năm 2012. Đứng trước dư luận, vị Giám đốc Sáng tạo của Celine chỉ giãi bày đơn giản rằng cách viết lại này sẽ giúp tên thương hiệu trở nên cân đối, hài hòa và hợp thời hơn.

Hedi Slimane thay đổi Céline thành Celine.

Hedi Slimane thay đổi Céline thành Celine.

Tháng 12/2018

Tinh thần “thay áo mới” của các thương hiệu còn được kéo dài đến tận tháng 12. Sau 73 năm, NTK Olivier Rousteing đã mang đến cho Balmain mẫu logo mới toanh. Bên cạnh những động thái thay đổi chính sách kinh doanh thì bộ nhận diện thương hiệu mới này cũng nằm trong chiến lược của Olivier Rousteing, với tham vọng đưa Balmain trở thành cái tên “nặng ký” trong làng thời trang tại Paris.

Logo mới của Balmain

Logo mới của Balmain

Olivier Rousteing ứng dụng mẫu logo mới trên các thiết kế.

Olivier Rousteing ứng dụng mẫu logo mới trên các thiết kế.

Chưa dừng lại ở đó, ngay trước thềm Giáng sinh (22/12), nhà mốt Calvin Klein tuyên bố Raf Simons chính thức rời khỏi vị trí Giám đốc Sáng tạo. Thông tin bất ngờ này đã gây sự chú ý của giới mộ điệu trên toàn thế giới, khi Raf Simons từng được thương hiệu này giao cho toàn quyền giám sát mọi hoạt động, để ông có thể nâng tầm Calvin Klein trở thành một thương hiệu cao cấp chính hiệu. Sự ra đi của Raf Simons để lại nhiều nuối tiếc, với câu hỏi lớn được đặt ra rằng những thiết kế của Calvin Klein 205W39NYC sẽ đi về đâu khi vắng mặt “người cha đẻ”?

NTK Raf Simons sẽ không còn đồng hành cùng Calvin Klein 205W39NYC

NTK Raf Simons sẽ không còn đồng hành cùng Calvin Klein 205W39NYC