Hoàng Hoa

Quà đất Bắc

Cứ mỗi dịp giáp Tết, người thân, bạn bè tôi đang sống trong Nam lại nườm nượp hành hương ra Bắc đi Tết cha mẹ họ hàng kết hợp mua sắm đặc sản về làm quà. Biết rằng trong Nam có bán đầy đủ của ngon vật lạ đất Bắc nhưng mua sắm tại đại bản doanh mới là khoái cảm mà chỉ những cố nhân trở về quê cũ có thể thấu hiểu.

Bánh chưng Bờ Đậu lâng lâng mùi Tết

Một bạn học cũ của tôi không phải quê Thái Nguyên nhưng trước đây có một lần đi chơi hồ Núi Cốc được ăn bánh chưng Bờ Đậu bán trên quốc lộ 3 thế nên cứ có dịp ra Bắc là anh lại tìm cớ đi chơi để rẽ vào tận làng Bờ Đậu (Phú Lương, Thái Nguyên) mua vài cặp bánh chưng về làm quà cho bạn ở Hà Nội và đương nhiên để dành ít nhất một cặp mang về cho vợ con ở tận Bình Dương. Anh bạn bảo, giờ bánh chưng hảo hạng hút chân không bán ở siêu thị TP HCM có nhiều lắm nhưng mua thế không sướng. Anh thích đến tận Bờ Đậu vì quanh năm trong làng có mùi Tết. Đi dạo trong làng, anh như được sống lại tuổi thơ thời bao cấp xốn xang với mùi bánh chưng luộc nghi ngút ấm cúng.

Lá chanh thơm bánh chả phố Thụy Khuê

Cứ tưởng chỉ người Bắc mới trung thành với quà đất Bắc, hóa ra có một thứ bánh mà người miền Nam xịn rất thích đó là bánh chả. Bạn gái tôi làm dâu trong gia đình gốc Sài Gòn, chị đã lấy được cảm tình đầu tiên của ba thế hệ nhà chồng bằng những gói bánh chả. Từ đó, mỗi lần hồi hương ra Hà Nội, hành lý trở về của chị hầu như toàn bánh chả. Có lần vội, chị bạn phải mua tạm hàng khác, lúc về cả nhà kiện cáo ầm ĩ. Bánh chả Thụy Khuê có màu nâu cánh gián óng ả, vỏ giòn, nhân trong béo ngậy, thơm thoang thoảng lá chanh. Tiếc rằng, bánh chả là món để lâu sẽ bị chảy dầu, nên không thể mua dự trữ ăn dần được.

Giòn tan kẹo dồi Phú Xuyên

Trong tỉnh Hà Tây (cũ) có rất nhiều làng nghề làm bánh kẹo nổi tiếng với kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, chè lam…nhưng mấy người bạn Nam tiến của tôi chỉ mê mỗi kẹo dồi đặc sản ở xã Hoàng Long (Phú Xuyên). Kẹo dồi ở đây, hạt lạc nhìn đều tăm tắp, vỏ ngoài trắng tinh mỏng tang, khi rơi xuống đất chiếc kẹo vỡ vụn tan, đấy là bí quyết phân biệt kẹo dồi Hoàng Long chính hiệu. Ăn miếng kẹo vỏ giòn tan, vị lạc thơm nức.Với kẹo của nhiều hãng khác, khi bạn vô tình đánh rơi xuống đất, chiếc kẹo có khi còn nguyên hoặc cùng lắm chỉ vỡ làm đôi. Khó chịu nhất khi ăn phải kẹo dồi lởm là vỏ kẹo cứng trẹo răng, hạt lạc rang sống hoặc chẳng may vấp phải hạt thối, lép. Kẹo dồi chính hiệu khi bày cùng chocolate trên bàn ngày Tết, nhất định khách chỉ nhặt kẹo nội mà chén tì tì.

Ô mai Hàng Đường, kệ độc cứ ăn!

Dù biết công đoạn làm ô mai đáng ngờ thế nào về vệ sinh an toàn, người tiêu dùng vẫn cứ mua vì …thèm. Nếu bạn vào cửa lô cửa hàng ô mai ở phố Hàng Đường dịp Tết sẽ thấy gần nửa số khách hàng nói giọng miền Nam vì đây là món quà đầu tiên người ta khuyên nhau mua khi ra Bắc. Ô mai, mứt có rất nhiều loại nhưng không phải loại nào cũng được người trong đó thích. Sau nhiều lần chuyên chở ô mai làm quà tôi phát hiện người Nam cũng như người Bắc sống trong Nam chỉ thích nhất ba loại: khế xào gừng, ô mai sấu và mơ. Khế, sấu, mơ là thứ quả chỉ ngon khi trồng ở khí hậu ngoài Bắc vì thế dân trong đó chẳng thể nào tự tin khi chế biến ba loại ô mai này. Khế xào gừng là món chị em thích tự mày mò làm nhưng rất ít người đạt đến trình độ khế mềm, gừng săn, độ chua ngọt đậm hòa quyện mà không bị ướt dính như tiêu chuẩn hàng chính hiệu.

Cá kho Đại Hoàng cực tốn cơm

Nhiều cơ quan cứ Tết đến là tổ chức một tua du lịch tận đại bản doanh cá kho ở làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam). Mọi người đổ bộ vào làng từ sáng sớm để tham quan công nghệ kho cá. Hàng trăm niêu đất cá kho đặt thẳng hàng trên những bếp kiềng kéo dài. Mỗi nhóm gia đình thao tác thiện nghệ từng khâu như làm cá, giã giềng, thái gừng, chặt sườn lợn, xếp vào niêu. Một người phụ trách củi lửa, nêm nước pha cốt chanh cho không cạn nước. Du khách rộn ràng đi lại trong hương thơm lựng của cá kho giềng, của khói bếp củi nhãn. Một niêu cá phải kho trong 24h mới đạt chuẩn “thịt rắn xương mềm”. Cá kho xong, được mở vung để nguội rồi đóng thùng giấy cho khách tại chỗ và chủ yếu để chuyển đi theo đơn đặt hàng. “Ngày Tết người trong Nam nhận được thùng quà, mở ra thấy một niêu cá trắm đen kho chắc chắn sẽ cảm động. Quà này cũng lãng mạn ngang với một cành đào. Nhưng coi chừng, lên cân vì cá kho Đại Hoàng cực tốn cơm!”. Có người đã viết trên tường facebook như vậy đấy.

Bánh cuốn bà Hoành ăn xong bụng êm

Không chỉ Tết, quanh năm dãy nhà hàng bánh cuốn Bà Hoành ở Tô Hiến Thành (Hà Nội) có khách đến mua gửi máy bay vào Sài Gòn. Bánh cuốn gia truyền ở đây nổi tiếng bởi ba khác biệt: Lớp bánh cuốn hơi dày hơn nơi khác nhưng ăn xong không đầy bụng, kể cả người đau dạ dày bụng vẫn thấy êm; Chả bà Hoành có màu đậm hơn ở hai mặt rán, miếng chả giòn béo, thơm; Nước chấm bà Hoành sẫm màu hơn vì có chút nước tương, hương vị vừa miệng. Khách mua quà vào Nam, chuyển bánh cuốn và chả theo hành lý xách tay lên máy bay, còn nước chấm quyết không để phí, họ rót vào chai nhựa và đóng vào hành lý ký gửi.

Mua món ngon tại đại bản doanh mới là khoái cảm mà chỉ những cố nhân trở về quê cũ có thể thấu hiểu.