Cẩm Thúy

Võ sư Trần Việt Trung: Đừng nói thành người là dễ

Lần đầu tôi biết tiếng võ sư Trần Việt Trung, là khi nhận được bài viết giới thiệu về cuốn “Quyền sư”. Đó là cuốn sách cảm động về tình thầy trò của một môn phái võ thuật ở Việt Nam: Võ phái Vịnh Xuân Quyền. Trong cuốn sách này, các nhân vật chính là cụ Tế Công - người sáng lập ra võ phái Vịnh Xuân Quyền ở Việt Nam và một học trò xuất sắc của cụ là võ sư Ngô Sỹ Quý. Và võ sư Trần Việt Trung, tác giả cuốn sách chính là một học trò xuất sắc của thầy Ngô Sỹ Quý.

Cho đến nay, võ sư Trần Việt Trung đã viết xong cuốn sách thứ 3. Tiếp sau cuốn sách “Quyền sư” về những bậc thầy dạy võ, ông đã viết cuốn “Thầy Thiên Đức” xuất bản năm 2016, về một bậc “đại sư” khác, thầy dạy y thuật của ông, danh y Thiên Đức. Cuốn sách thứ 3 vừa phát hành năm 2017 có tên Sư đệ học phái dưỡng sinh nhu quyền.

Chỉ kể công việc viết sách đã hiểu qua về một Trần Việt Trung đa tài. Nhưng phải tận khi đến nhà, để rồi sẽ hiểu có những người thực tài trong xã hội, nhưng đã sống khiêm nhường như thế nào. Ông từ nhiều năm trước, đã chọn một khuôn viên rộng ở làng Yên Sở Thượng – một làng ngoại thành xa xôi vào thời điểm đó (bây giờ là phố rồi) làm nơi ở và lập võ đường. Giỏi võ và giỏi nghề đông y, thậm chí thông thạo cả bốc quẻ, tướng số, nhưng Trần Việt Trung mấy chục năm qua sống kiệm lời, hầu như không lập ngôn ở diễn đàn nào, và cũng không sống bằng những nghề đó. Ông hiện đang điều hành tới 2 công ty tư nhân liên doanh với nước ngoài chuyên sản xuất vật liệu ngành sơn. Nhưng còn chút thời gian rảnh nào, ông vẫn bốc thuốc (gần như làm phúc vì thuốc rất rẻ), luyện võ, đàm đạo võ thuật và truyền dạy cho học trò.

Trong phòng bốc thuốc, võ sư Trần Việt Trung đặt tượng người cha – Thiếu tướng Trần Tử Bình (một nhà cách mạng tiền bối) ở vị trí trang trọng nhất, quanh năm đặt hoa tươi. Ông cũng đặt bàn thờ thầy dạy võ Ngô Sỹ Quý, làm giỗ hàng năm.

Sư đệ học phái dưỡng sinh nhu quyền ra mắt trong năm 2017 giống như một cuốn tự truyện về cuộc đời đầy trải nghiệm của một võ sư bậc thầy, một lương y, một nhà kinh doanh, một người viết văn. Từ cuộc đời cụ thể của những con người cụ thể của một môn phái võ thuật, cuốn sách mang đến những bài học làm người – bài học về đạo đức, đạo lý, đạo làm thầy và đạo làm trò…

Phần cảm động nhất, lay động nhất, gợi nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về con người nhất chính là tình cảm thầy – trò xuyên suốt cuốn sách. Thầy dạy võ là dạy làm người. Nên bắt đầu việc dạy bằng dạy đạo đức, đạo lý, bao giờ thấm nhuần mới truyền võ thuật. Có những thầy ấy, tất phải có những trò ấy. Cũng nhờ ngọn lửa của đạo nghĩa, mà học thuật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đạt tới tầm tư tưởng của võ học.

Thưa ông, là con trai út của Thiếu tướng Trần Tử Bình, điều gì ông nhớ nhất về cha mình?

Võ sư Trần Việt Trung: Cha tôi là nhà cách mạng thế hệ đầu tiên lại trải qua rất nhiều hoàn cảnh khốc liệt trên con đường giải phóng dân tộc nên mỗi thành công hay thất bại đều là những bài học rất đáng nhớ! Ông đã lãnh đạo cuộc nổi dậy đầu tiên của Đồn điền cao su Phú Riềng vào đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùng 3 tháng 2 năm 1930. Ông đã bị bắt và đi đày trong hệ thống nhà tù của Pháp 3 lần, ông đã tổ chức vượt ngục cho các nhà cách mạng Tống Văn Trân và Ngô Gia Tự ở Côn Đảo, rồi cuộc Đại vượt ngục Hỏa lò tháng 3 năm 1945, là Thường vụ xứ ủy Bắc kỳ - ông cùng các đồng chí đã lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ tháng 8 năm 1945. 

Ông thành lập trường đào tạo quân sự ngay sau ngày Tuyên ngôn Độc lập trong tháng 9 năm 1945. Cha tôi trực tiếp cùng các bạn chiến đấu đánh bại quân Pháp trên mặt trận phía tây của chiến dịch đầu tiên Pháp đánh lên Việt Bắc. Sau trận này, ông là một trong 11 vị tướng được Nhà nước và Hồ Chủ tịch phong đợt đầu tiên. Ông điều tra và xử vụ án tham nhũng đầu tiên của chính phủ kháng chiến. Ông là những người trực tiếp sửa sai trong cải cách ruộng đất với cương vị Tổng thanh tra quân đội, phó Tổng thanh tra chính phủ. Ông là vị đại sứ có uy tín tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tận dụng tối đa sự ủng hộ của một nước lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ... 

Thời kỳ ông làm Đại sứ 1959-1967 ( hơn 2 nhiệm kỳ), lần đầu tiên trong lịch sử 2 nước người ta nói đến tình đoàn kết nhân dân 2 nước Việt - Trung. Còn nhiều mẩu chuyện hay giữa Bác Hồ với “chú Bình” và các bạn của ông. Mà tôi nghĩ cuộc đời ông chặng nào cũng rất đáng nhớ!

Cụ thể là trong con mắt của một người con, sự vĩ đại nhất của Tướng Trần Tử Bình là ở đâu? Ở góc độ lãnh đạo khởi nghĩa Tháng Tám thành công hay 1 nhà ngoại giao sau này, hay thậm chí là trong những khoảnh khắc đời thường bên vợ con?

- Tôi thấy sự nổi trội bất biến của cha mình và các bác các cô chú ở thế hệ này là tận tâm tận lực vì đất nước, vì nhân dân, không hề nghĩ đến bản thân. Cái vĩ đại không chỉ nằm trong thắng lợi mà còn bộc lộ ở những thất bại, sau mỗi thất bại họ như lớn hơn, cứng hơn, kiên định hơn, nhờ đó mới đi đến thắng lợi. Cha tôi hay nói với các con, hai mốc lịch sử đời ông thấy hào hùng nhất là cuộc nổi dậy năm 1930 và thành công của Cách mạng tháng Tám mà ông trực tiếp lãnh đạo. Về cuộc sống gia đình, thì phải nói rằng ông rất khát khao hạnh phúc đó nhưng không bao giờ thấy được mãn nguyện, vì với ông công tác cách mạng đặt lên trên hết!

Có thiệt thòi cho những người con không khi mà cả cuộc đời vị Tướng Trần Tử Bình gắn với vận mệnh đất nước hơn là gia đình? Tới mức ngay cả tên các con cũng được cụ đặt gắn với từng giai đoạn lịch sử.

- Có chứ. Sự xuất hiện của người cha với những lời dạy về cách sống, cách ứng xử là rất cần thiết để giáo dục con cái trong gia đình. Thế nhưng, thiệt thòi của anh chị em chúng tôi là cha tôi đi vắng suốt. Bù lại, mẹ chúng tôi luôn đem tấm gương của chồng ra dạy các con, và anh chị em chúng tôi cũng nhắc nhở nhau để đừng bị trượt xa quá, làm cho cha mẹ phiền lòng. Cha mẹ tôi là những nhà cách mạng, mỗi bước tiến của đất nước đều được ghi lại trong gia đình bằng tên của từng đứa con: Trần Kiến Quốc, Trần Kháng Chiến, Trần Hạnh Phúc… Tên tôi – Trần Việt Trung là thời kỳ ông làm Đại sứ ở Trung Quốc.

Sinh ra trong một gia đình như vậy có là một áp lực không, thưa ông. Các anh chị em trong gia đình ông luôn tâm niệm điều gì khi nghĩ mình là con của một người luôn là một tấm gương lớn như vậy?

- Chúng tôi không hề chịu một áp lực nào từ gia đình và xã hội. Chúng tôi chọn một cách sống, hay đúng hơn là cha mẹ đã dạy chúng tôi: sống trung thực, lao động chân chính, yêu quý mọi người, biết bảo vệ cái đúng, không bon chen, sống khiêm nhường và có ích cho xã hội. Làm được như vậy, cha mẹ sẽ vui lòng.

Trong cuốn sách Cha và Con tập hợp những bài viết của “những cặp cha – con” nổi tiếng ở Việt Nam được NXB Trẻ phát hành mới đây, ông đã viết điều gì trong Thư gửi người đã khuất?

- Tôi có một bài viết với tựa đề " Thư gửi người đã khuất" trong cuốn sách Cha và Con. Nếu cha tôi là người đã khuất, là quá khứ thì tôi hay chúng ta là hiện tại. Nhìn lại quá khứ, chúng ta rất tự hào, nhưng với hiện tại chúng ta cũng phải vững vàng, mạnh mẽ, tỉnh táo để tiếp bước con đường do các thế hệ tiền bối đã vạch ra.

Việc ông học võ có phải là mong muốn của cha ông không?

- Câu hỏi này có lẽ chỉ cha tôi mới trả lời được, vì khi ông mất tôi còn nhỏ lắm. Là đứa trẻ mồ côi cha, tôi thấy mình yếu ớt, cô độc trong cuộc đời, có lẽ đó là động cơ để tôi đến với võ, làm cho mình tự tin hơn, vững vàng hơn. Nhưng hình như tố chất, tinh thần võ học ở cha tôi đã truyền sang tôi, vì ông đã được các thầy võ xứ Đạo dạy khi ở nhà thờ.

Một võ sư, một thầy thuốc, một nhà kinh doanh, một người viết văn – những việc ấy ông thích làm việc gì hơn? Vì sao ở ông lại hội tụ được nhiều khả năng đến vậy,, nhờ ý chí rèn luyện hay thiên bẩm ở một người tài hoa tới mức việc gì cũng làm như chơi ấy?

- Việc nào tôi cũng thích, nếu không thích tôi đã không làm. Mỗi việc đến với tôi đều có những thời điểm riêng. Có điều, những cái đến trước vẫn cứ ở lại để hòa quyện với những cái đến sau, mà chúng không bỏ tôi đi! Thông minh, tài hoa ở đời chỉ là một việc, tôi không có những phẩm chất đó, cái duy nhất tôi có là sự say mê, yêu quý và quyết tâm lao động để đi đến cùng.

Ông có thấy mình may mắn khi cuộc đời toàn gặp những người thầy lớn: Một người cha nổi tiếng tài giỏi đức độ, một "Quyền sư" hiếm có và một thần y? Ai là người có ảnh hưởng nhất tới ông?

- Đúng vậy. Không chỉ là may mắn mà tôi thấy hạnh phúc. Tôi không thể so sánh vì họ không cùng hệ quy chiếu. Cha tôi và những người thầy đều là một phần tạo nên cuộc sống cho tôi. Cha tôi cho tôi một nếp sống, một ý chí. Các bậc thầy cho tôi kiến thức và quan niệm để thâm nhập xã hội.

Trong năm 2017, khi dư luận xôn xao về những trận thách đấu võ thuật, ông có ý nghĩ gì? Vì sao không thấy ông lên tiếng?

- Tôi không quan tâm đến hơn thua, cao thấp, mà mình nên tận tâm đào tạo những con người có phẩm chất tốt về tư cách, nhân cách cho cuộc sống hiện đại cả về thể lực và trí lực.

Nói thật, trong đời mình ông đã bao giờ tham gia thách đấu hoặc tỉ thí võ thuật chưa?

- Từ khi được thầy dạy cẩn thận thì tôi chưa nhận lời hay đi thách thức ai bao giờ, đơn giản là mình cần có nhân cách tốt. Nhưng hồi còn trẻ, đã có những cuộc đấu phân ngôi cao thấp, không phải một lần mà lặp đi lặp lại. Có những trận đụng độ khốc liệt với một số lượng rất đông, hay có lần xách dao nhảy tàu đi vùng khác trả thù...Những cái đó còn nguy hiểm hơn việc thử thách có trọng tài! tuy nhiên thời bồng bột, hung hăng rồi cũng qua đi may mà không ngộ sát ngồi tù. Được học, được dạy, con người sẽ lớn hơn, cách ứng xử sẽ đúng hơn.

Là một người giữ đạo làm trò hiếm có, ông lo lắng điều gì cho đạo đức nói chung và cách cư xử giữa bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên - cấp dưới, thầy trò, cha con, vợ chồng ngày nay?

- Cuộc sống với một cá nhân có 2 mảng: gia đình và xã hội. Cái thành trì cuối cùng của một cá nhân là gia đình ngày hôm nay cũng có những dấu hiệu lung lay, chúng ta cần tỉnh ngộ để giữ lại trân giá trị gia đình, trong đó tình vợ chồng, cha con phải được ưu tiên chăm sóc vun đắp bền chặt, đừng để những tệ nạn xã hội phá vỡ gia đình. Đạo đức và thói hành xử xã hội ta xuống cấp quá, tôi cảm tưởng nó đang rơi xuống, chưa thấy đáy. Trường học, cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ lãnh đạo... động vào đâu cũng thấy cái hủy rữa, xuống cấp đạo đức ở đó. Xã hội cần có cùng tiếng nói lên án, nhưng trước hết tại thượng tầng kiến trúc cần phải thanh lọc đầu tiên, có như vậy mới mong chấn hưng văn hóa và đạo đức.

Đề cao giá trị gia đình, phải vì thế chăng mà lúc nào cũng thấy xuất hiện phía sau ông một người phụ nữ đúng chuẩn Hà Nội cũ, dịu dàng, tha thướt. Ông có thể kể gì về tình yêu của mình không?

- Vâng, đằng sau tôi là những người phụ nữ tuyệt đẹp của cuộc đời tôi. Đó là người mẹ vô cùng kính yêu,người chiến sỹ cộng sản đã được Nhà nước xác nhận. Là các chị yêu quý đã chăm sóc chia sẻ với tôi những thời gian khó. Nhưng gần gũi nhất là người con gái Hà Nội, đã có những thiện cảm khi thấy một chàng thanh niên là tôi tả xung hữu đột trong một trận đánh đông trên đường phố, rồi đem lòng yêu mến, rồi... trở thành người "nâng khăn sửa áo " của tôi. Những ngày gian khó thời bao cấp là thử thách rõ nét nhất về sự bền chặt của một gia đình, khi các con lần lượt chào đời. Chúng tôi đã cùng nhau san sẻ khó khăn , niềm vui. 

Điều thú vị là trong tình thầy trò của tôi với các sư phụ, vợ tôi luôn xuất hiện và như một chất xúc tác làm cho đạo nghĩa đó bền hơn, cao hơn, xa hơn. Các học trò của tôi gọi vợ tôi là "sư mẫu" nghe ngồ ngộ mà rất thấm. Không thể không nói đến các con gái của tôi, chúng lần lượt trưởng thành theo thời gian, nhưng trong lòng đã khắc đậm hình bóng của ông bà, cha mẹ như một sự tự hào tôn thờ, và chúng là một trong những đích sống của tôi.

Điều hành việc kinh doanh, dạy võ, bốc thuốc, nuôi gà, trồng rau... Thời gian để viết sách vào lúc nào? Dự định những cuốn sách sắp tới của ông?

- Khi người ta phải làm nhiều việc khác nhau trong một ngày, điều cần thiết là phải có lịch phân chia thời gian cho từng việc và nghiêm khắc thực hiện. Tôi có thói quen, buổi sáng khi ngồi bên ấm trà và thả mắt theo những làn khói thuốc là lúc cầm bút, viết ra những câu chuyện, tứ văn đã định sẵn trong đầu. Sau cuốn sách thứ 3, tôi đã viết xong cuốn thứ tư về thế hệ những người cộng sản, rất đời thường và rất bình dị nhưng vĩ đại. Chắc sẽ xuất bản vào dịp nào gần nhất của Cách mạng tháng Tám hay Quân đội. Và tôi vẫn đang viết tiếp về cuộc đời...

Có khi nào ông nghĩ dừng việc kinh doanh lại, chuyên tâm bốc thuốc, luyện võ và viết văn không?

- Tôi chưa nghĩ đến điều ấy dù biết rằng nó sẽ đến, đơn giản là vì bạn hàng nước ngoài và các cộng sự của tôi vẫn cần sự hiện diện và tư duy giải quyết công việc của tôi trong một doanh nghiệp, mà như các bạn biết, một doanh nghiệp tư nhân tồn tại và duy trì, phát triển trong môi trường phức tạp Việt Nam khó khăn như thế nào. Thực ra, tôi vẫn đang và sẽ làm những việc như bạn hỏi đấy thôi.

Xin cảm ơn ông!

Dòng cuối cùng của cuốn sách Sư đệ, tác giả Trần Việt Trung đã viết: Sinh ra làm người đừng nói thành người là dễ! Để có một câu này có lẽ là bằng tất cả sự trải nghiệm của một cuộc đời tài hoa, thành công ở nhiều lĩnh vực, mà qua những trang sách chắc độc giả cũng mới chỉ hiểu được phần nào.