Thu Thủy

Ảnh hưởng của đại dịch covid tới ngành mỹ phẩm Việt Nam năm 2020

Dịch Covid được gọi là đại dịch toàn cầu, nó ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, làm suy thoái nền kinh tế, gây sụt giảm doanh thu của các ngành nghề, trong đó có ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Các cửa hàng mỹ phẩm vắng khách mùa dịch
Các cửa hàng mỹ phẩm vắng khách mùa dịch.

Những năm gần đây, mỹ phẩm được coi là một trong những ngành “hot” được nhiều người theo học và lựa chọn nghề nghiệp. Điều này xuất phát từ nhu cầu xã hội, khi xã hội luôn ưu tiên cho cái đẹp và ai ai cũng muốn làm đẹp.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 10 nhà máy sản xuất mỹ phẩm lớn, có tên tuổi trong nước và cả trên thế giới, gồm Công ty TNHH iFree Việt Nam, nhà máy sản xuất mỹ phẩm ResHPCos, Công Ty TNHH MTV đầu tư TMDV XNK Hoàng Phúc Thịnh, Công ty TNHH mỹ phẩm Kanna - Kanna Cosmetics, Công ty sản xuất mỹ phẩm La’p Việt Nam, Công ty cổ phần sản xuất mỹ phẩm Tân Ngọc Phát, Công ty sản xuất mỹ phẩm Lahy’s, Công ty mỹ phẩm Việt Hương – Viet Huong Cosmetics Factory, Công ty TNHH mỹ phẩm Hani, Công ty mỹ phẩm 3C. Đây là những doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm có nhà máy sản xuất với quy mô lớn, máy móc hiện đại, chất lượng sản phẩm tốt.

Nếu so sánh toàn cầu, thị trường mỹ phẩm của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng. Các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay, với 10% thị phần, chủ yếu ở phân khúc giá rẻ và xuất khẩu sang một số thị trường lân cận (90% các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam là đại lý phân phối của các nhà mỹ phẩm nước ngoài). Hầu hết mỹ phẩm ngoại đều chiếm lĩnh các trung tâm thương mại.

Hàn Quốc là nước đứng đầu trong số các quốc gia nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam, chiếm gần 1/3 giá trị đóng góp trong kim ngạch nhập khẩu năm 2018. Theo số liệu do Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam với 30% thị phần. EU đứng ở vị trí thứ hai với 23%, tiếp theo là Nhật Bản (17%), Thái Lan (13%) và Mỹ (10%), các quốc gia còn lại đóng góp 7%.


Đại dịch ập đến như cơn sóng thần quét đi gần như tất cả. Các lệnh giãn cách xã hội và yêu cầu làm việc từ xa đã đẩy nhu cầu trang điểm đi xuống, đồng thời buộc các cửa hàng lần lượt đóng cửa.

Các hãng mỹ phẩm ngoại nhập khẩu vào Việt Nam bị đình lại, tồn ứ. Cửa khẩu, đường biên bị cấm vận. Đặc thù 90% thị trường mỹ phẩm nhập khẩu bị đóng băng. Các nhà máy sản xuất mỹ phẩm trong nước cũng đóng cửa, nhân viên nghỉ việc.

Theo Mintel (công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại London), thị trường mỹ phẩm Việt Nam trị giá 2.3 tỷ USD vào cuối năm 2018, thế nhưng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch covid giá trị từ ngành mỹ phẩm Việt Nam đã bị giảm sút.

Tuy nhiên, dịch bệnh covid cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước vươn lên, nắm bắt thị trường nội địa.

Đặc biệt là mỹ phẩm thiên về làm sạch và chăm sóc, dưỡng da vẫn có tỉ số tăng trưởng cao trong thời gian dịch bệnh.

Thông tin về đại dịch xảy ra ở Việt Nam được chính thức công bố vào ngày 1/2/2020 và bốn tuần sau đó là khoảng thời gian thị trường mỹ phẩm chứng khiến con số gia tăng gấp đôi thậm chí gấp ba cho lượng tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc cá nhân như nước rửa tay hay xà phòng. Cụ thể, theo như thống kê, hạng mục mặt hàng chăm sóc cá nhân đã đạt mức tăng 29% tại khu vực thành thị và 19% tại khu vực nông thôn.

Các mặt hàng như sữa rửa mặt, kem dưỡng da, mặt nạ, kem dưỡng mắt, kem dưỡng da tay, kem dưỡng thể vẫn được xem là sản phẩm chăm sóc da tại nhà, đáp ứng được nhu cầu tự chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp của đông đảo người tiêu dùng.

Theo khảo sát được thực hiện bởi Q&Me, với 458 nữ giới từ 16 tuổi trở lên, vào tháng 1/2020 cho thấy số tiền trung bình mà phụ nữ Việt chi tiêu cho mỹ phẩm chăm sóc da là 436.000VNĐ/ tháng (21% chi 200.000-300.000VNĐ mỗi tháng; 8% chi 500.000VNĐ; 7% chi hơn 1 triệu VNĐ).

Như vậy mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh nhưng thị trường mỹ phẩm Việt Nam vẫn là “miếng bánh ngon” cho doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài nhảy vào và là tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước.