Hạnh Đỗ

Em sẽ đến cùng cơn mưa

Ichikawa Takuji nổi tiếng ở Nhật Bản từ cách đây hơn một thập kỷ. Tiểu thuyết “Em sẽ đến cùng cơn mưa” xuất bản lần đầu năm 2003, là một trong những tiểu thuyết thành công nhất Nhật Bản, được chuyển thể thành truyện tranh, kịch, phim truyền hình ở Nhật và điện ảnh tại Mỹ. Cái tên Ichikawa Takuji gần như đã trở thành một đặc sản, của những đàn ông lập dị và những tình yêu khiến người ta thương nhớ dài lâu.

Văn đẹp lắm, nhưng buồn lắm

“Em sẽ đến cùng cơn mưa” (tác giả Ichikawa Takuji, Mộc Miên dịch, NXB Văn học) kể chuyện một ông chồng “bồ côi vợ”, từ khi cậu con trai mới được năm tuổi. Người đàn ông với thể tạng khác biệt vật vã tiếp tục cuộc sống với cậu con trai hay khóc và hay nói “thế à” thay cho câu trả lời. Sự cô độc và lạc lõng của hai bố con có thể làm rơi nước mắt bất cứ một người đọc đa cảm nào. Cho đến một ngày, bắt đầu vào mùa mưa, linh hồn người vợ trở về và họ hối hả tận hưởng quãng thời gian ngắn ngủi trước khi mùa mưa kết thúc.

Ngôn từ tinh tế. Không khí truyện bảng lảng như thực, như mơ. Và thứ tình yêu dịu ngọt như nước, cả cuộc chia tay buồn như mưa đều khiến người ta nhói tim vì xúc động. 

“Cuộc đời em do em quyết định. Em chọn con đường đi bên anh. Và thật hỗn xược nếu như anh từ chối bằng mớ lý lẽ vớ vẩn của anh. Anh không biết chuyện gì đang ở phía trước. Chắc chắn hạnh phúc đang nằm lăn lóc ở đâu đó. Việc hai chúng mình cùng nhau đi tìm thứ hạnh phúc ấy hứa hẹn mang lại nhiều điều thú vị. 

“Không sao đâu”. Em nói. 

Không sao. Mọi chuyện sẽ ổn. 

Anh cảm thấy như em đang nói về tương lai của chúng ta. Trước mắt, chúng mình cứ đi tiếp. Sẽ không chỉ có những chuyện không tốt đẹp. Một người như anh biết đâu vẫn có thể đem lại hạnh phúc cho em”. (Em sẽ đến cùng cơn mưa)

Và đây là lời khen mà tờ Le Monde đã dành tặng nó: “Một câu chuyện tình tinh tế và ngọt ngào đến nỗi ngay cả cái chết rình rập cũng đem lại những an ủi dịu dàng.”

“Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” (tác giả: Ichikawa Takuji, Nguyệt Phùng dịch, NXB Thời đại) kể về một bộ ba lập dị: một người chỉ say mê với nước và cây thủy sinh, một người chuyên vẽ rác và một cô gái niềng răng mắc bệnh ngủ. Sự biến thiên của cuộc sống đẩy họ ra xa nhau. Nhưng thứ tình yêu vụng dại thời thơ bé tưởng mong manh mà hóa ra lại nâng đỡ họ suốt cuộc đời. 

Truyện của Takuji không nhiều kịch tính, kể cả khi cái chết xuất hiện. Toàn là những nhỏ nhặt đời thường bọc trong một lớp vỏ run rẩy mẫn cảm. Và điều tuyệt vời là không giống như cái cách mà những con người và sự việc ấy thể hiện ra, không giống cái vỏ ngoài yếu ớt, các nhân vật của Takuji chưa từng bỏ cuộc, giống như những võ sĩ samurai không bao giờ gục ngã bất chấp những thương tổn bên trong.
“Ừ. Cơ mà nhé, buồn cũng là một món quà được ban phát cho con người ta mà. Có nó thì các mảnh ghép của cuộc đời mới được lấp đầy”. (Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào).

Lập dị nhưng mà đáng yêu

Tôi chưa từng thấy những nhân vật nam lại thống nhất lập dị và thống nhất đáng yêu như vậy, như trong các tác phẩm của Takuji.

“Những kẻ hơi lập dị, thuộc thiểu số, luôn hành động theo nhân sinh quan riêng, hầu như không hứng thú với ai khác ngoài bản thân mình”.

Những người ít nhiều đều bị tổn thương, sầu muộn và đơn độc.

Theo lý mà nói, hành trình kiếm tìm hạnh phúc của những con người ấy đặc biệt sẽ khó khăn, vấp váp, trắc trở. Nhưng không!

Cái cách mà họ nắm giữ số phận và cuộc đời mình khiến ta không thể không khâm phục.

Giống như Satoshi (Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào), yêu nước, yêu thủy sinh từ nhỏ. Đến khi lớn lên, bất chấp những nghịch cảnh, anh vẫn trở thành một chủ cửa hàng thủy sinh. “Một kẻ lãng mạn hết thuốc chữa”. Nhưng “mơ mộng là quyền tự do của tôi và nỗ lực để thực hiện giấc mơ đó đương nhiên cũng là quyền tự do của tôi”. 

Kiên định- phẩm chất ấy dường như ngày càng ít đi ở đàn ông hiện đại song lại đầy rẫy ở các nhân vật lập dị của Takuji. Yuji trong “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” chẳng hạn. “Cứ thui thủi một mình với một con chó sống cùng như anh em. Vẽ tranh cho đến tận bây giờ. Những bức tranh tuyệt nhiên không bán được”.

“Tóm tắt qua như thế chắc anh chị sẽ nghĩ Yuji có một cuộc sống chẳng ra làm sao phải không? Thế nhưng không phải vậy. Anh ấy rạng rỡ lắm. Có ước mơ quả là một điều tuyệt vời”. Đến mức nhân vật nữ tình nguyện: “Nếu có thể, tôi muốn giúp anh ấy tiếp tục giấc mơ suốt cuộc đời này”.
Những người đàn ông không có tài kinh bang tế thế. Những người đàn ông mẫn cảm và cô độc. Những người đàn ông cố chấp với ước mơ của mình. Những người đàn ông “không hề sợ cô lập. Hoàn toàn không có khái niệm rằng mình phải giống người khác. Chỉ tin vào bản thân và không một chút lung lay”. Tôi thích mẫu đàn ông như thế. Tôi cũng giống như nhân vật trong sách, tin rằng “những con người ấy phải sống đến trăm tuổi, phải nhận được lương hưu của hạnh phúc”.

BÌNH LUẬN
Họ và tên
Địa chỉ Email
Mã bảo vệ
 Off  Telex  VNI  VIQR

Đề nghị viết tiếng Việt có dấu

Tiêu đề
Nội dung