Oscar là giải thưởng điện ảnh thường niên do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) trao tặng. Giải thưởng gồm nhiều hạng mục, vinh danh các nghệ sĩ và nhà làm phim có cống hiến đáng ghi nhận cho nền điện ảnh thế giới. Người chiến thắng ở mỗi hạng mục được quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín giữa các thành viên của viện.
Lễ trao giải Oscar được phát thanh lần đầu trên radio vào năm 1930 với Warner Baxter cùng Mary Pickford lần lượt nhận giải nam và nữ diễn viên chính, The Broadway Melody (1929) chiến thắng hạng mục phim xuất sắc. Đến năm 1953, lễ trao giải Oscar được phát sóng lần đầu tiên trên truyền hình. Oscar là lễ trao giải lâu đời nhất trong ngành nghệ thuật.
Tuổi 94 của lễ trao giải Oscar
Lễ trao giải Oscar 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 27/3 (giờ Mỹ) tại rạp Dolby thuộc khu tổ hợp giải trí Hollywood & Highland Center, Los Angeles, California (Mỹ). Đây là năm thứ 94 giải thưởng được tổ chức.
|
Kristen Stewart có đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp tại Oscar 2022. Ảnh: IMDb.
|
Oscar 2022 gây tranh cãi khi không phát trực tiếp phần công bố kết quả của 8 hạng mục nhưng lại thêm thời lượng cho hai giải khán giả bình chọn, gồm khoảnh khắc được yêu thích và phim được yêu thích. Đây là nỗ lực của ban tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ với chương trình và nâng số lượng người xem.
Theo The Independent, bình luận về quyết định cắt một phần nội dung lễ trao giải Oscar được phát sóng để rút ngắn thời lượng, nhà làm phim Edgar Wright (Hot Fuzz, Shaun of the Dead, Last Night in Soho…) nói: “Chẳng ai muốn xem lễ trao giải Oscar chỉ vì lời hứa hẹn chương trình năm nay ngắn hơn 30 phút so với lệ thường cả”. Người dẫn chương trình Jimmy Fallon nhận xét: “Nếu các vị ấy muốn rút ngắn chương trình, thì cứ cắt bớt cái phần khi có ai đó xuất hiện và giải thích điện ảnh là gì ấy”.
Sau gần một thế kỷ được coi như khuôn vàng thước ngọc cho điện ảnh thế giới, Oscar - cũng như Quả cầu Vàng - đang trong giai đoạn khủng hoảng về bản sắc khi nhiều giá trị cũ đã không còn phù hợp. Khán giả ngày nay mong muốn một sự đột phá mang đến diện mạo và sức sống mới cho giải thưởng. Đổi thay ấy phải có tính cách mạng, tương tự sự kiện bức tượng vàng được gọi bằng cái tên “Oscar” thay vì đơn thuần là “Giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm” (The Academy Awards).
Nguồn gốc tên gọi Oscar
Xoay quanh nguồn gốc tên gọi giải Oscar, các nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh đặt ra rất nhiều giả thiết. Năm 2015, sử gia Robert Osborne đã liệt kê ba giả thuyết có cơ sở vững chắc hơn cả xoay quanh chuyện đặt tên này. Theo ông, có thể chắc chắn tên gọi bắt đầu được dùng từ năm 1935.
Giả thiết đầu tiên cho rằng Bette Davis, nữ chủ tịch đầu tiên của AMPAS (1941) kiêm chủ nhân hai tượng vàng Oscar các năm 1936 và 1939, là người đã đặt biệt danh Oscar cho Giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm. Nữ diễn viên gọi tượng vàng của AMPAS là Oscar bởi nó trông giống ông chồng đầu tiên, Harmon Oscar Nelson. Davis nhận xét lớp mạ vàng bên ngoài bức tượng gợi nhớ làn da mướt như trái đào của chồng cũ.
|
Bà Bette Davis với các tượng vàng Oscar giành được vào năm 1936 và 1939. Ảnh: AMPAS. |
Giả thiết thứ hai, ít giật gân hơn nhưng được ủng hộ không kém, là cái tên Oscar xuất phát từ ông Sidney Skoklsky, chủ mục một tờ báo tại Hollywood. Từ năm 1934, cây bút đã đăng nhiều bài báo sử dụng danh từ Oscar thay cho cái tên “Giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm”. Trong cuốn sách Don’t Get Me Wrong - I Love Hollywood xuất bản năm 1975, Skoklsky đã giải thích lý do đằng sau lựa chọn này.
Ông viết: “Tôi đã nghĩ ra cái tên này cho bức tượng vàng trong đêm đầu tiên tham dự lễ trao giải Oscar. Tôi không có ý biến tên gọi này thành chính thức. Sự hợm hĩnh của giải thưởng năm đó khiến tôi khó chịu. Tôi muốn biến bức tượng vàng ấy thành một con người”. Trong cuốn sách, nhà báo cũng chia sẻ ông muốn xóa bỏ cảm giác về phẩm giá cao quý của giải thưởng này.
Cái tên Oscar nảy ra trong đầu Robert Osborne với cảm hứng từ một chương trình tạp kỹ hồi thế kỷ XX. “Các diễn viên hài trêu chọc vị nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng bằng cách rủ rê: Anh muốn hút xì gà không Oscar?. Nhưng khi vị nhạc trưởng đưa tay ra nhận, anh chàng diễn viên hài lập tức quay ngoắt bỏ đi, bỏ lại một động tác tức cười. Khán giả đều cười vào mặt Oscar”, ông hồi tưởng.
Giả thuyết cuối cùng có liên quan đến thủ thư của Viện Hàn lâm, bà Margaret Herrick. Theo lời kể, bà Herrick từng vô thức nhận xét bức tượng vàng của AMPAS khiến mình nhớ đến ông chú Oscar. Cái tên này đọng lại rất lâu trong tiềm thức mọi người, nhất là khi sau đó, Margaret Herrick đã trở thành giám đốc điều hành của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ.