Đỗ Anh Thư

Bảo quản mỹ phẩm, chưa bao giờ là dễ dàng

Một trong những thách thức muôn thuở của nhà điều chế mỹ phẩm là lựa chọn chất bảo quản nào, ở tỉ lệ bao nhiêu. Tôi đã tham gia nhiều triển lãm, hội thảo quốc tế về sản xuất mỹ phẩm với tư cách là một nhà điều chế, lần nào cũng được nghe cập nhật về vấn đề chất bảo quản.

Lựa chọn chất bảo quản mỹ phẩm, chưa bao giờ là dễ dàng

Lựa chọn chất bảo quản là việc rất phức tạp bởi rất nhiều lý do. Chẳng hạn, mỗi một nguyên liệu lại có diễn biến hư hỏng khác nhau. Sử dụng một nguyên liệu mới cũng ảnh hưởng đến hạn sử dụng, hay sử dụng vẫn các nguyên liệu cũ nhưng điều chỉnh tỉ lệ của một, hai thành phần, cũng ảnh hưởng đến hạn sử dụng. Hoặc một hũ kem dưỡng được sản xuất cho môi trường của một nước nọ (ví dụ như Hàn Quốc), nhưng được sử dụng ở một nước khác (ví dụ Việt Nam), thì sản phẩm sẽ có một diễn biến hỏng kiểu khác, mà chiến lược bảo quản của nhà sản xuất không thể lường được…

Tình hình còn trở nên khó khăn hơn nữa khi các quốc gia ngày càng khó phê duyệt những thành phần mới nhưng khắt khe hơn đối với các chất bảo quản cũ. Ví dụ, hiện tại nhiều nước ban hành lệnh cấm thí nghiệm trên động vật nhưng chưa đưa ra được các giải pháp thí nghiệm thay thế. Điều này khiến cho rất nhiều chất đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần như không thể chứng minh tính an toàn. Khi không có đủ dữ liệu an toàn, những chất này không thể được đưa vào danh sách thành phần mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, các nước lại ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế đối với những chất bảo quản vốn đã được sử dụng qua nhiều thập kỷ, chẳng hạn 5 loại paraben. Tất cả những điều này khiến cho danh sách các chất bảo quản được đưa vào mỹ phẩm ngày càng trở nên eo hẹp.

Những năm gần đây, trên thế giới có xu hướng sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên và hữu cơ. Châu Á không ngoại lệ. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về các sản phẩm chăm sóc cá nhân từ thiên nhiên và hữu cơ trong những năm tới. Cơ hội thị trường thì rất rộng mở, nhưng đối với những nhà điều chế mỹ phẩm, bài toán về lựa chọn chất bảo quản lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.


Bảo vệ môi trường chính là tiêu chí của chất bảo quản mỹ phẩm

Người tiêu dùng ở các nước Châu Á -Thái Bình Dương và đặc biệt là các nước ASEAN được cho là đi chậm hơn các nước phương Tây khi nói đến xu hướng bảo vệ môi trường. Tuy vậy, trên thực tế, các cuộc khảo sát tại các nước đang phát triển lại cho thấy người dân ở đây quan tâm nhiều đến những tác động của con người đến môi trường sống và có nhu cầu đối với việc gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với tốc độ đô thị hóa khẩn trương tại các nước Châu Á, thì người dân ở những người này càng ngày càng lo ngại về các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Và họ đưa ra những biện pháp cứng rắn. Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc phát động “cuộc chiến chống ô nhiễm”, qua đó tích cực đẩy mạnh sản xuất năng lượng xanh và đã có những cải thiện đo đếm được với môi trường sống. Tại các nước ASEAN, hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo được dự kiến tăng 4% cho đến năm 2025.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về các sản phẩm chăm sóc cá nhân từ thiên nhiên và hữu cơ trong những năm tới. Cơ hội thị trường thì rất rộng mở, nhưng đối với những nhà điều chế mỹ phẩm, bài toán về lựa chọn chất bảo quản lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Đối với các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, quan ngại về môi trường đã hiện hữu bằng các sản phẩm “chống ô nhiễm”, chứa các thành phần chống oxi hóa, với lời hứa bảo vệ làn da khỏi khói bụi trong không khí.

Xu hướng bảo vệ môi trường cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất. Họ cố gắng tìm ra các công nghệ “xanh”, giảm tối đa rác thải ra môi trường, giảm khí thải carbon và giảm tiêu thụ nước.

Bên cạnh đó, thị trường cũng ám ảnh hơn đối với vấn đề mỹ phẩm “không phân hủy được”. Những thành phần lâu phân hủy không chỉ khiến khách hàng quan ngại, mà còn có nguy cơ bị cấm. Chẳng hạn, các hạt nhựa tẩy da chết (polyethylene) đã bị cấm ở nhiều nước trên thế giới vì lý do này.

Người tiêu dùng Châu Á, vốn rất để ý đến những tác động của môi trường ô nhiễm đến sức khỏe, nhanh chóng trở nên lo ngại về các thành phần khó phân hủy. Họ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có thành phần thân thiện với môi trường, được sản xuất bởi quy trình thân thiện với môi trường.

Đối với các nhà điều chế, mỗi một nguyên liệu đưa vào sản phẩm đều cần thống nhất với thông điệp bảo vệ môi trường. Các chất bảo quản cũng cần được lựa chọn theo tiêu chí “xanh”.